Một nhóm bạn trẻ cấp tốc, tự nguyện chạy vào ngay vùng tâm lũ miền Trung để cứu trợ các nạn nhân đang chơi vơi giữa mênh mông biển nước sau khi nhà máy thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh) xả lũ cứu đập, gây thương vong và nhận chìm nhiều khu vực cư dân rộng lớn.
Một ngày sau khi nước lũ tràn xuống hạ nguồn, nhóm các nhà hoạt động xã hội dân sự ở Hà Nội từng được biết tiếng qua các cuộc xuống đường chống Trung Quốc đã có mặt tại ‘rốn lũ’ Nhiêu Khê (Hà Tĩnh), mang theo lương khô, thuốc men, nước uống, tiếp tế khẩn cấp cho bà con những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Chỉ bằng một lời kêu gọi trên Facebook, nhóm thiện nguyện này đã quyên góp được hàng trăm triệu đồng, chuyên chở những tấm lòng hảo tâm và sự san sẻ gần xa đến với đồng bào đang gặp nạn tại ‘những nơi chưa ai đến.’
Vừa trở về sau chuyến đi nhân đạo đầu tiên kéo dài 3 ngày, chị Mai Phương Thảo, với nickname trên Facebook là Thảo Teresa, một thành viên trong nhóm, chia sẻ với Trà Mi VOA những đau thương, thống khổ mà chị tận mắt chứng kiến.
Bấm vào nghe toàn bộ cuộc phỏng vấn
Phương Thảo: Trước mắt mình là mênh mông, trắng xóa hết, không còn là đường đi nữa, có những nơi còn nhìn thấy nóc nhà, có những nơi không thấy được nóc nhà luôn, chỉ thấy ngọn tre thôi. Có một số vào tá túc được ở nhà thờ. Nhà thờ 2 tầng mà tầng 1 ngập đến cả trần luôn. Còn tầng 2 thì xếp cả xe máy, đồ đạc tư trang và cả người nữa, kín luôn.
Trà Mi: Khoảng bao nhiêu người đang tá túc trong nhà thờ đó?
Phương Thảo: Khoảng vài trăm người trong khi nhân khẩu Công giáo ở đó khoảng 1500 nhân khẩu, chưa kể lương dân. Không có nước sinh hoạt. Bể nước ngập mất rồi. Vệ sinh các thứ xả hết ra ngoài, kinh khủng, bẩn thỉu vô cùng.
Trà Mi: Có những chuyến thuyền đưa những người đang trên nóc nhà chờ cứu giúp ra nơi cao ráo hơn để trú ẩn an toàn chăng?
Phương Thảo: Không hề. Trước khi bọn mình đến, không một cơ quan chức năng nào đoái hoài hết. Mình hỏi chính những người dân ở đó và mình đã phải khóc. Khi mình rời giáo xứ Họ Hoàng để đi lên phía trên khoảng 3km, tới giáo xứ Chi Bản, tình hình còn bi đát hơn. Chưa một cơ quan chức năng nào đoái hoài hết.
Trà Mi: Làm thế nào có thể tiếp cận được các vùng bị ảnh hưởng nặng nề đó?
Phương Thảo: Rất vất vả, tụi mình đi từ chiều, đi xuyên đêm, liên hệ với các cha xứ vì ở đó Công giáo rất đông. Qua hai xứ mới tìm được người họ mang một chiếc thuyền máy ra. Thuyền chẳng có gì chắc chắn cả, nhưng không còn đường nào khác. Tất cả người và hàng hóa đều phải nhảy lên thuyền để đi qua vùng chia cắt đấy, đến nhà thờ. Nước ngập sâu 3-4m, trên thuyền chỉ có 2 áo phao mà trên chục con người cộng với hàng hóa, lương khô, thực phẩm, nước uống. Lúc đó nghĩ đến bà con, chẳng còn cảm xúc sợ nữa. Cứ lên thuyền thôi. Nước mấp mé mạn thuyền luôn. Từ bờ đường cái đi thuyền đến xứ đạo ấy mất 40 phút. Càng vào sâu càng rơi nước mắt. Người ta cứ đứng trên nóc nhà thôi. Tất cả gia súc, gia cầm chết hết. Trẻ em, người già đều đứng trên nóc nhà trông ngóng. Cảnh vô cùng tan hoang, đau xót, nhưng bức xúc nhất là mấy ngày trời như vậy, không một cơ quan chức năng nào tới hỏi han họ hết. Chính quyền có công an, quân đội, đủ phương tiện thuyền bè, di chuyển được đến những nơi như thế để cứu giúp bà con, nhưng họ không hề. Bọn mình chỉ là một nhóm xã hội dân sự, những anh em xuống đường chống Trung Quốc, ai cũng khó khăn. Đi là tụi mình tự bỏ tiền túi. Đi suốt đêm đến 4 giờ sáng.
Trà Mi: Bằng cách nào chị có được thông tin ngay phút đầu và bằng cách nào mọi người có thể quyên góp nhanh để tiếp ứng nhanh như thế?
Phương Thảo: Sáng hôm đấy, anh Lã Việt Dũng gọi mình, bảo ‘Anh em mình đi miền Trung gấp đi, tình hình căng quá rồi. Tối nay đi.’ Ngay khi đấy, bọn mình chạy khắp Hà Nội để mua lương khô trong vòng vài tiếng đó. Kênh thông tin để mình biết được cũng là do anh em trong đó báo ra.
Trà Mi: Đoàn mình có tiếp cận từng nhà dân để trao vật phẩm cứu trợ?
Phương Thảo: Mình thật sự không có thời gian, chỉ tập kết tại nhà thờ và đưa cho cha. Cha là người phân bổ tất cả tiền, quà. Dân ở đó nghèo lắm.
Trà Mi: Trong suốt ba ngày ở đó, đoàn tá túc ở đâu, ăn-nghỉ thế nào?
Phương Thảo: Tá túc trên ô tô, ăn mì sống. Khi tiếp cận rốn lũ, bọn mình toàn ăn lương khô cũng như những người dân ở đấy thôi vì không có nước.
Trà Mi: Khi chị tới, nước đã ngập mênh mông lên tận nóc nhà, còn thời tiết thì thế nào?
Phương Thảo: Đây là do nó xả lũ đập Hố Hô. Vì xả lũ nên mới tàn phá nhanh như vậy. Trong vòng vài tiếng, lũ ngập trắng xung quanh chứ không phải do thiên tai, không phải do mưa. Mưa thì dần dần mới ngập, người dân có thể di chuyển sơ tán được. Nhưng xả lũ thì lũ nó về nhanh khủng khiếp. Lúc mình đến , xung quanh ngập mênh mông nhưng trời vẫn nắng chang chang. Không phải mưa.
Trà Mi: Sau chuyến này đoàn có dự định quay lại hoặc tới nơi khác để tiếp tục công tác cứu trợ?
Phương Thảo: Chắc chắn phải quay lại, nhưng có điều rất vất vả. Bọn mình tính đi đêm, sáng ra phát quà rồi thì ra ngay. Ai cũng bận việc nhưng có điều là công việc này cũng chẳng đừng được. Mọi người sẽ cố gắng làm. Hiện tại mình cũng đang cầm tiền, hôm nay được 100 triệu trong tài khoản, mình chắc chắn phải mang tới cho họ rồi.
Trà Mi: Nhóm quyên góp bằng cách nào? Mọi người muốn chung tay đóng góp thì tiếp cận bằng cách nào?
Phương Thảo: Cá nhân mình không hội nhóm nào hết, lương tâm mình thúc giục và mình đứng lên kêu gọi trên Facebook. Mình thấy bà con bi đát quá, mà trông chờ chính quyền hỗ trợ thì toàn gạo mốc thôi. Nó toàn tham ô hết, đến tay bà con đâu. Cho nên, mình kêu gọi và mọi người bắt đầu đổ tiền về. Ngày đầu tiên mình kêu gọi, mình phải đến từng nhà lấy, được đồng nào hay đồng đó. Mình chỉ có một kênh thông tin duy nhất là liên lạc qua Facebook. Mình công khai số tài khoản, địa chỉ, và họ chuyển về.
Trà Mi: Tới đó nói chuyện với một số dân địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất, chị nghe được những câu chuyện thế nào?
Phương Thảo: Họ toàn khóc. Mình hỏi thăm mọi người có ai đến tiếp cận, giúp đỡ mọi người chưa, tất cả đều lắc đầu hết. Cha Cương cho biết nó xả lũ nhanh quá, không kịp trở tay. Từ tối đến 3 giờ sáng đã ngập nửa nhà thờ rồi. Xe máy, trâu bò lợn gà chết trôi hết. Thiệt hại rất nặng nề. Một con trâu mấy chục triệu, cả đời người ta có một con mà giờ chết sạch. Mình tiếc một điều là chưa tiếp cận được với gia đình có người chết trong trận lũ này. Anh Lân Thắng và Lê Dũng thì đã tiếp cận được với họ.
Trà Mi: Vùng đó chịu hết trận lũ này đến mùa lũ khác. Chị có hỏi họ, các đợt trước đây, sau những cơn lũ, họ gầy dựng thế nào, chống chọi ra sao? Thời gian khắc phục hậu quả bao lâu?
Phương Thảo: Họ toàn tự thân vận động hết. Người Việt chịu khổ quen rồi. Chết không chết được phải cố gắng vượt qua chứ làm thế nào? Năm nào cũng thế, rất đau thương, nhưng năm nay khốn nạn nhất là do nó xả lũ, chứ không phải do thiên tai.
Trà Mi: Nguyện vọng cấp thiết nhất của họ bây giờ là gì? Ngoài cứu trợ, họ có nhu cầu nào khác?
Phương Thảo: Thứ nhất là thuốc men. Thứ hai là vấn đề kinh tế vì trâu bò lợn gà đã chết hết, xác chết trôi đầy.
Trà Mi: Với các bạn trẻ không có điều kiện tiếp cận thực tế hoặc không được cập nhật thông tin đây đủ-chính xác. Là người tận mắt chứng kiến, ra tay cứu trợ ngay từ phút đầu, chị muốn nói gì với họ?
Phương Thảo: Điều đáng buồn là giới trẻ Việt Nam sống vô cảm, ăn chơi, shopping, đưa ảnh lên Facebook thôi, họ hoàn toàn không quan tâm đến các vấn đề xung quanh. Đợt này, mình thấy họ cũng hơi một chút để ý nhờ phương tiện truyền thông Facebook và qua những người nổi tiếng như MC Phan Anh. Đấy cũng là một hiện tượng rất tốt. Cú hích của Phan Anh lần này quả là tuyệt vời. Mình hy vọng giới trẻ Việt Nam nhìn vào đó để biết xấu hổ. Đây là vụ lụt lịch sử. Đợt này từ Bắc chí Nam, kể cả Sài Gòn hôm bị triều cường cũng ngập lụt cả Tân Sơn Nhất. Đấy là hậu họa, là hậu quả. Đất nước Việt Nam hôm nay như thế cũng vì sự thờ ơ vô cảm của giới trẻ.
Trà Mi: Cảm ơn chị rất nhiều vì thời gian dành cho VOA trong cuộc trao đổi này.