Chưa đầy một tháng sau ngày Đoàn Thị Hương bị bắt ở Malaysia vì bị tình nghi tham gia vụ ám sát chấn động thế giới, công chúng Việt Nam đang chia thành hai thái cực trong những ý kiến bày tỏ trên mạng xã hội về cô. Nhiều người thương cảm với cô trong khi nhiều người khác dành những lời lẽ thậm tệ cho cô.
Nữ công dân 29 tuổi của Việt Nam, quê ở Nam Định, bị bắt hôm 13/2 cùng một nữ nghi phạm quốc tịch Indonesia vì nhà chức trách tin rằng họ đã ám sát một người được cho là Kim Jong Nam, anh cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un.
Trên mạng xã hội, sau khi các tin tức cho thấy nhà chức trách Việt Nam có những động thái không ồn ào và dường như ở mức tối thiểu để bảo hộ công dân đối với cô Hương, nhiều người trong đó có các trí thức và doanh nhân đã lên tiếng thúc giục nhà nước hành động nhiều hơn để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cô.
Họ cũng cho rằng Hương “bị lừa” tham gia vào vụ việc, và nêu ra nguyên nhân sâu xa hơn là vì hoàn cảnh gia đình cô khó khăn nên đã sớm bước vào cuộc sống đầy phức tạp, không có người chỉ bảo, dẫn đến mắc sai lầm.
Từ những điều này, nhiều người đã kêu gọi quyên góp tiền để giúp gia đình Hương đi gặp cô cũng như thuê luật sư cho cô trong quá trình xét xử.
Hôm 1/3, Đoàn Thị Hương và nghi phạm Indonesia đã ra một tòa địa phương để nghe tống đạt cáo trạng. Hai cô đối mặt với án tử hình nếu bị chứng minh phạm tội giết người.
Một luật sư Malaysia, ông Selvam Shanugam, đã tình nguyện bào chữa cho Hương, vì theo lời ông, Hương đã “không có luật sư” khi ra toà nghe đọc tội danh bị truy tố. Trong một cuộc phỏng vấn báo chí, ông nói: “Tôi thấy tội khi cô ấy không có ai đại diện hôm đó”.
Trong khi đó, báo chí nước ngoài cho hay nữ nghi phạm Indonesia được đại sứ quán nước cô cung cấp 5 luật sư.
Một trong những người có thái độ thương cảm với Hương, cũng là người kêu gọi gây quỹ giúp gia đình Hương, nữ doanh nhân Lê Hoài Anh ở thành phố Hồ Chí Minh lý giải với VOA về việc làm của bà:
“Lá lành đùm lá rách là một truyền thống rất tốt của người Việt Nam. Chính phủ thì cũng còn rất nhiều công việc khác, và quan tâm đến một công dân của mình chưa phải là điều quan trọng nhất của họ lúc này. Điều tôi quan tâm không phải là thân phận của một mình cô Đoàn Thị Hương. Đó là một số phận nhưng mà là số phận của những người phụ nữ, những người Việt Nam đang lao động bất hợp pháp hoặc là hợp pháp nhưng bị bóc lột, và hoàn toàn không hiểu biết về pháp luật ở nước ngoài. Qua việc của cô Đoàn Thị Hương, tôi mong là thông điệp đó được chuyển tải đến mọi người nhiều hơn”.
Đến nay, nỗ lực quyên góp của bà Hoài Anh và bà Nguyễn Hoàng Ánh, một giảng viên đại học ở Hà Nội, đã thu về hơn 10.000 đôla.
Trong khi đó, một thái cực khác đã hình thành khi rất nhiều người lên mạng xã hội dùng những từ ngữ thậm tệ để nói về Đoàn Thị Hương.
Cho dù đến thời điểm này, cô vẫn là nghi phạm, chưa bị kết án, song nhiều người đã quy chụp cô là “sát thủ”, “kẻ giết người”.
Họ cũng dùng những từ ngữ tục tĩu để khẳng định cô là gái điếm. Thông tin từ nhà chức trách Malaysia nói Đoàn Thị Hương là “nhân viên dịch vụ giải trí”. Đồng nghiệp cũ của cô xác nhận với báo chí cô từng là nhân viên một quán bar ở Hà Nội.
Những người có thái độ ác cảm với Hương đưa ra những bình luận thẳng thừng rằng cô đã làm xấu thể diện của Việt Nam, người như cô không đáng được thương cảm, nhận sự giúp đỡ, nhà nước không cần phải dành cho cô sự bảo hộ, và cô đáng tội chết.
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, tác giả nhiều bài viết và sách phản biện xã hội, nói với VOA về bản chất của những người có lối suy nghĩ được xem là “độc ác”:
“Có thể bản thân họ vẫn nghĩ họ tôn trọng dân chủ và nhân quyền. Với cái họ đang làm, họ chỉ muốn ban phát cái nhân quyền đấy cho những người nhất định, cùng phía với họ, có cuộc sống giống họ. Thế còn những nhóm người nhất định họ không ưa, họ cho rằng có hại cho xã hội, thí dụ những người ăn cắp ăn trộm, gái mại dâm, những người nghiện ma túy thì họ cho rằng không xứng đáng được hưởng quyền con người là được hỗ trợ, được bảo vệ cuộc sống, và được sự đoàn kết và nhân từ của cộng đồng. Đấy là tư tưởng khá là đáng quan ngại”.
Tiến sĩ Giang cảnh báo khi tư tưởng này lan khắp xã hội, điều đó dẫn đến một xã hội độc tài, toàn trị, ở đó số đông vào những thời điểm khác nhau có thể gạt bỏ những nhóm người nhất định ra khỏi xã hội và không cho họ quyền làm con người.
Trong một xã hội như vậy, mọi người không thể có dân chủ và nhân quyền thực sự, vị tiến sĩ người Áo gốc Việt hiện sinh sống ở Việt Nam nói.
Ông cho rằng lối tư duy này là kết quả phần lớn từ quá trình giáo dục:
“Họ sống trong một thế giới luôn luôn có sự dán nhãn kẻ thù, dán nhãn là những người không xứng đáng. Và họ có định kiến sẵn. Và họ không được tập thói quen là nhìn những người như là nghiện ma túy, mại dâm như là những con người. Cái vấn đề tôi nghĩ chủ yếu ở đây là giáo dục và một nền truyền thông và nền văn hóa rất là dễ dàng quy chụp và phân biệt. Để mà thay đổi nó, có lẽ cần một quá trình rất dài hơi để chúng ta vượt qua văn hóa quy chụp này, văn hóa dán nhãn này”.
Về những việc cần làm để thay đổi, Tiến sĩ Giang nói trước hết phải giáo dục trẻ em rằng những người bị hắt hủi cũng vẫn phải được tôn trọng nhân phẩm, được giúp đỡ và được nhận sự nhân từ “của chúng ta” và được sự “che chở của pháp luật”.
Việc thứ hai là cần phải có những tranh luận rằng các hành vi bạo lực để đáp trả hay trừng trị một sự vi phạm pháp luật, như đánh hay giết chết người trộm chó, không những không tạo ra sự thượng tôn pháp luật mà còn phá hủy xã hội, phá hủy đạo đức xã hội nhiều hơn.
Yếu tố thứ ba, theo Tiến sĩ Giang, là báo chí không nên chạy theo cảm xúc đám đông và có hành động về lâu dài để truyền đạt chính xác các triết lý về dân chủ, nhân quyền, thượng tôn pháp luật.
Cuối cùng, ông cho rằng chính quyền và các nhà làm luật phải thể hiện nhanh chóng bằng những việc làm cụ thể là họ hiểu như thế nào là thượng tôn pháp luật, về việc nhà nước bảo vệ công dân của mình. “Họ có lẽ phải là người đầu tiên thể hiện cái triết lý là mọi công dân đều được bảo vệ, chứ không chỉ là những công dân tạm gọi là làm ăn lương thiện hoặc là có đạo đức phù hợp với đám đông nhất định”, Tiến sĩ Giang nói.