Trong vòng chưa đầy một tuần trở lại đây, làn sóng phẫn nộ trong dư luận Việt Nam đang dâng cao sau khi xuất hiện thông tin về một loạt các vụ xâm hại tình dục trẻ em.
Báo chí trong nước trong những ngày qua liên tiếp đưa tin về ít nhất 3 vụ. Đông đảo người sử dụng mạng xã hội cũng đã chia sẻ nhiều thông tin về các vụ đó.
Tin tức hôm 11/3 nói ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, một bé gái 8 tuổi đã bị một người đàn ông 34 tuổi xâm hại nhiều lần. Gia đình cháu đã tố cáo với nhà chức trách cách đây hai tháng. Sau thời gian “chờ giải quyết” và nhiều sức ép công luận, đến ngày 13/3, công an Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án.
Nghi phạm theo báo chí mô tả là một nhân viên ngân hàng, 34 tuổi. Người đàn ông này đã bị công an triệu tập hôm 11/1 nhưng được thả ngay sau đó. Người này từng tuyên bố sẽ không ai “làm gì được” vì anh ta “có nhiều mối quan hệ”.
Cũng ngày 11/3, tại thành phố Hồ Chí Minh, gia đình một bé gái học sinh lớp 1 đã gửi đơn kêu cứu đến báo chí. Mẹ của cháu bé nói vào ngày 14/2 chị phát hiện cháu bị xâm hại với nghi ngờ là sự việc đã xảy ra tại lớp học. Sau khi tố cáo với công an, đến nay sau gần 1 tháng vẫn chưa có kết quả điều tra.
Tại thành phố Vũng Tàu, báo chí đưa tin hôm 13/3 rằng việc điều tra một vụ ấu dâm sẽ được gia hạn thêm 2 tháng. Trong vụ này, một người đàn ông 77 tuổi bị cáo buộc đã xâm hại 9 cháu bé nhiều lần. Công an đã khởi tố vụ án hình sự vào tháng 8/2016.
Hồi đầu năm nay, ngay sau tết Đinh Dậu, một cháu bé 13 tuổi ở Cà Mau đã tự vẫn vì bị hàng xóm xâm hại nhiều lần nhưng kẻ phạm tội không bị nhà chức trách xử lý dù gia đình đã báo cáo.
Những vụ kể trên chỉ là một phần nhỏ trong số khoảng 5.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em được báo cáo chính thức là đã xảy ra ở Việt Nam trong 5 năm qua.
Thống kê chính thức của các cơ quan nhà nước, dù bị các nhà nghiên cứu cho là còn chưa đầy đủ, cho thấy rằng tội phạm xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng gia tăng về số lượng, bình quân mỗi năm gần 1.000 em bị xâm hại tình dục.
Theo báo cáo của Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, số vụ xâm hại tình dục trẻ em bị phát hiện đã tăng gần gấp đôi từ 867 vụ vào năm 2010 lên gần 1500 vụ vào năm 2014.
Chỉ riêng con số chính thức này thôi đã đồng nghĩa là trung bình mỗi ngày có 3-4 trẻ em bị xâm hại. Hay nói cách khác, cứ 8 giờ trôi qua lại có ít nhất một trẻ em trở thành nạn nhân của “yêu râu xanh”.
Trong số các nạn nhân, có những cháu bị giết chết để bịt đầu mối, nhiều cháu bị đe doạ để không dám tố cáo.
Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA), nhận xét với VOA:
“Con số nó tăng lên theo báo cáo. Còn con số mà không được báo cáo thì không biết là bao nhiêu nữa. Đây là một vấn đề đã trở nên nghiêm trọng và thực sự nó là vấn đề không thể nào tiếp tục chấp nhận được nữa”.
Nữ giám đốc của trung tâm CSAGA cho biết thêm rằng trung tâm và một số tổ chức khác như ISCS, ActionAid, và Plan cách đây vài năm đã tiến hành nghiên cứu ở Hà Giang, Quảng Ninh và tp.HCM. Kết quả cho thấy trên 14% học sinh bị xâm hại tình dục.
Ở Hà Nội, hơn 10% học sinh của trên 30 trường phổ thông trung học nói từng bị xâm hại “bằng cách này hay cách khác”.
Bà Vân Anh đưa ra ý kiến:
“Từ miền núi cho đến thành phố, từ những gia đình có kinh tế tương đối đến những gia đình nghèo, trẻ em đều có thể là nạn nhân của xâm hại tình dục. Tất nhiên là ở trong môi trường có những sự bảo vệ tốt hơn từ phía gia đình cũng như nhà trường thì nó cũng sẽ giảm hơn một chút”.
Trên mạng xã hội trong những ngày qua, có vô số ý kiến gọi tội phạm tình dục đối với trẻ em, hay tội ấu dâm, là “kinh tởm”, đồng thời đòi trừng trị nghiêm khắc tội này.
Lần gần đây nhất một tòa án Việt Nam tuyên án nặng đối với bị cáo tội ấu dâm là tháng 12 năm ngoái. Một người đàn ông 64 tuổi đã bị kết án 13 năm tù vì dụ dỗ và có hành vi đồi bại với một bé gái 11 tuổi.
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Vân Anh, rất nhiều những vụ xâm hại khác đã không được điều tra, xử lý đúng mức và bà cho răng điều đó thật “đáng buồn” cũng như “gây bức xúc”.
Bà chỉ ra rằng trong nhiều vụ, những thủ phạm đã thương lượng dân sự kết hợp với đền tiền cho các nạn nhân và tránh bị xử lý hình sự, vụ việc bị ém nhẹm.
Theo phân tích của nữ giám đốc CSAGA, nhiều gia đình chấp nhận thương lượng, đền bù kiểu này “e ngại” nói ra câu chuyện con của họ bị xâm hại vì “lo cho tương lai” và “thanh danh” của con gái. Định kiến “phải như thế nào đấy mới bị xâm hại tình dục” cũng là áp lực làm họ dè dặt trong việc lên tiếng.
Ngược lại, có những trường hợp đứng ra tố cáo lại không được nhà chức trách xử lý rốt ráo, dẫn đến sự bất bình. Bà Vân Anh nói:
“Có rất nhiều những vụ án không được xử lý gì cả. Có thể thụ lý rồi, có thể điều tra rồi nhưng rồi nó rơi vào im lặng một cách đáng sợ. Không biết lý do tại sao. Gia đình có thể gửi đơn hàng trăm nơi rồi nhưng cuối cùng vẫn không được xử lý. Đấy là những cái rất đau lòng. Dư luận rất phẫn nộ về việc kẻ thủ ác không bị xử lý một chút gì”.
Ngoài nghi vấn rằng những kẻ phạm tội hối lộ nhà chức trách để “chạy án”, “chạy tội”, nhà nghiên cứu Nguyễn Vân Anh và nhiều người còn cho rằng có những cán bộ trong hệ thống pháp luật “sợ” là đưa ra thông tin về các vụ tội phạm ấu dâm là “nói ra cái xấu”, “làm xấu xã hội đi”, làm hình ảnh đất nước “trở nên tiêu cực hơn”. Theo bà Vân Anh, vì “nỗi sợ” đó nên nhiều người trong hệ thống pháp luật đã tìm cách làm nhẹ vấn đề đi, thậm chí làm cho nó “biến mất luôn”.
Trong một thông cáo phát đi hôm 12/3 về tội phạm ấu dâm ở Việt Nam, Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam (GBVNet) nói Việt Nam có riêng bộ luật về trẻ em và nhiều quy định, chính sách tiến bộ về bảo vệ trẻ em.
Mạng lưới bao gồm 15 tổ chức xã hội đang hoạt động trên khắp các tỉnh thành của Việt Nam cũng chỉ ra rằng Việt Nam có một bộ máy khá toàn diện về chăm sóc và bảo vệ trẻ em từ trung ương đến địa phương.
Tuy nhiên, thông cáo nói trong nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em, nhiều cán bộ trong các cơ quan, tổ chức phòng chống bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em “thay vì thực hiện trách nhiệm của mình lại đổ lỗi cho phụ nữ và trẻ em là thiếu hiểu biết hoặc không hành xử đúng mực”, cũng như “thay vì nghiêm khắc nhận trách nhiệm và củng cố, tăng cường các giải pháp bảo vệ và xử lý lại quy trách nhiệm cho phụ nữ và trẻ em phải tự bảo vệ mình”.
GBVNet nhấn mạnh đó là những rào cản về thể chế khiến cho bạo lực tình dục không những không giảm mà còn gia tăng với diễn biến ngày càng phức tạp trong thời gian qua.
Bà Vân Anh, Giám đốc CSAGA, nhấn mạnh điều quan trọng cần làm là nhà nước và công chúng phải thay đổi quan niệm khi nhìn vào vấn đề này:
“Trước tiên phải biết rằng đây là vấn đề nghiêm trọng. Nếu mà mình cho qua một lần, nó sẽ dẫn đến tình trạng nó giống như một chỉ báo đối với tất cả những kẻ phạm tội khác rằng cứ phạm tội đi rồi cùng lắm cũng chỉ bị [xử lý] vớ vẩn thế thôi, hoặc chẳng bị làm sao cả, hoặc là tiền là có thể chạy được tất cả, hoặc là các mối quan hệ quen biết có thể chạy được tất cả. Đấy mới là vấn đề chứ không phải kẽ hở của luật”.
Ở thời điểm hiện nay, những vụ việc được báo chí đưa tin trong vài ngày qua đã đánh động mạnh mẽ tới công chúng.
Bên cạnh việc bày tỏ sự quan tâm và phẫn nộ, giới hoạt động vì quyền trẻ em và phụ nữ kêu gọi chính phủ phải có giải pháp phòng tránh từ xa, hệ thống giáo dục cần phải đưa việc dạy học sinh nhận biết và tránh tội phạm tình dục như một kỹ năng cần thiết phải có.
Họ đề xuất rằng các sách vở có kiến thức giúp trẻ em phòng tránh loại tội phạm này cần được phổ biến nhiều hơn và các bậc cha mẹ Việt Nam cũng cần nói chuyện với con nhiều hơn về vấn đề này, một điều đã trở nên bình thường ở các nước phát triển khác.