Đường dẫn truy cập

2016 nóng kỷ lục


Người đứng đầu Tổ chức Khí tượng Thế giới Petteri Taalas.
Người đứng đầu Tổ chức Khí tượng Thế giới Petteri Taalas.

Năm nay, nhiệt độ toàn cầu lên đến mức cao kỷ lục, cơ quan khí tượng Liên Hiệp Quốc ngày 14/11 cho biết, trong khi một phúc trình khác cho thấy trong 3 năm qua, lượng khí thải làm hâm nóng trái đất không hề tăng.

Các phúc trình khơi dậy những cảm giác pha trộn giữa hy vọng và tuyệt vọng tại hội nghị về khí hậu ở Marrakech, Morocco, trong tuần này.

Ông Petteri Taalas, người đứng đầu Tổ chức Khí tượng Thế giới WMO nói “Thêm một năm, thêm một kỷ lục. Nhiệt độ cao chúng ta chứng kiến trong năm 2015 sẽ bị phá trong năm 2016.”

Những dữ liệu ban đầu của WMO cho đến tháng 10 năm nay cho thấy nhiệt độ trên thế giới, bị thúc đẩy bởi hiện tượng El Nino, đã cao hơn 1,2 độ C (2,2 độ F) trên mức tiền công nghiệp.

Mức này gần với giới hạn được đặt ra trong thỏa thuận khí hậu toàn cầu thông qua tại Paris hồi năm ngoái. Thỏa thuận này kêu gọi giới hạn tăng nhiệt kể từ cuộc cách mạng công nghiệp dưới mức 2 độ C hay thậm chí là 1,5 độ C.

WMO cho biết trong 17 năm nóng nhất có 16 năm thuộc thế kỷ này. Biệt lệ duy nhất là vào năm 1998, cũng là năm El Nino.

Ông Taalas nói một phần Nam cực thuộc Nga chứng kiến nhiệt độ tăng từ 6 đến 7 độ C trên mức trung bình.

Theo các tổ chức môi trường và các nhà khoa học khí hậu, phúc trình nhấn mạnh đến sự cần thiết phải nhanh chóng giảm bớt khí CO2 và các loại khí thải nhà kính khác làm cho quả đất ấm dần lên.

Trong khi đó, một phúc trình khác cũng được công bố ngày 14/11 đưa ra một số tin tích cực, cho thấy lượng khí thải CO2 không tăng trong 3 năm qua. Tuy nhiên các tác giả của cuộc nghiên cứu dè dặt nói rằng chưa biết việc giảm khí thải CO2 chủ yếu do bớt sử dụng than đá tại Trung Quốc có là một xu hướng lâu dài hay không.

Cuộc nghiên cứu được công bố trong tạp chí Earth System Science Data cho biết việc thải khí CO2 toàn cầu từ các nhiên liệu hóa thạch và công nghiệp được dự kiến tăng khoảng 0,2% trong năm nay.

Điều này có nghĩa là khí thải không thay đổi ở mức 36 triệu mét khối trong 3 năm qua dù nền kinh tế thế giới tăng trưởng, cho thấy mối liên hệ lâu nay giữa thành tựu tăng trưởng kinh tế với khí thải gia tăng có thể không còn.

Ông David Ray, giáo sư về quản lý khí các-bon tại trường đại học Edinburgh, nói “Đây có thể là một bước ngoặt chúng ta hy vọng. Để ngăn chặn biến đổi khí hậu các mối liên quan đó phải được cắt đứt và ở đây chúng ta có những dấu hiệu đầu tiên cho thấy ít nhất là những mối liên hệ này bắt đầu trở nên lỏng lẻo.”

Việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, quốc gia thải khí CO2 đứng hàng thứ nhì trên thế giới, cũng có ảnh hưởng.

Cuộc nghiên cứu cho thấy khí thải của nước Mỹ giảm 2,6% trong năm ngoái dự trù sẽ giảm 1,7% trong năm nay, vì khí đốt thiên nhiên và năng lượng tái tạo đã thay thế than trong việc sản xuất điện. Tuy nhiên hiện không rõ xu hướng này có được tiếp tục dưới thời Tổng thống Trump hay không. Ông Trump đã hứa sẽ đảo ngược chính sách môi trường của chính quyền Obama, trong đó có Kế hoạch Năng lượng Sạch để giảm bớt ô nhiễm các-bon do các nhà máy điện gây ra.

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG