Đường dẫn truy cập

Mỹ, Việt tẩy độc dioxin ở Biên Hòa sau thành công ở Đà Nẵng


Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Shannon gặp Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND VN Nguyễn Phương Nam, Đà Nẵng, 9/11/2017
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Shannon gặp Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND VN Nguyễn Phương Nam, Đà Nẵng, 9/11/2017

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Thomas Shannon khẳng định hôm 9/11 trước báo giới rằng Mỹ và Việt Nam sẽ tẩy độc dioxin tại sân bay Biên Hòa, tiếp sau thành công của dự án tẩy độc dài 5 năm ở sân bay Đà Nẵng.

Lời khẳng định của vị thứ trưởng Mỹ được đưa ra sau khi ông và Thượng tướng Nguyễn Phương Nam, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, đã có buổi gặp gỡ đánh dấu việc xử lý thành công ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng với kinh phí hơn 105 triệu đôla do Mỹ cung cấp.

Một khu vực rộng lớn của sân bay từng bị nhiễm độc nặng, vì từ cuối những năm 1960 đến đầu những năm 1970, quân đội Mỹ sử dụng nơi đó để lưu trữ, nạp, súc rửa hóa chất gây rụng lá chứa dioxin.

Tại buổi gặp hôm 9/11, Thượng tướng Nam cảm ơn sự giúp đỡ của Mỹ, ghi nhận rằng trong khuôn khổ dự án, 90.000 mét khối đất bùn đã được khử dioxin, tính đến thời điểm kết thúc việc xử lý bằng công nghệ khử hấp thu nhiệt trong mố hồi tháng 6 năm nay.

Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), đối tác cùng thực hiện dự án với Bộ Quốc phòng Việt Nam, cho hay một thước đo quan trọng về thành công là nồng độ dioxin sau xử lý đạt mức trung bình dưới 9 phần nghìn tỉ (ppt), thấp hơn rất nhiều so với mức mục tiêu là 150 ppt.

Nhờ các kết quả đó, khoảng 19 hecta đất sau xử lý đã được bàn giao cho Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông-Vận tải Việt Nam để mở rộng sân bay Đà Nẵng.

USAID và Bộ Quốc phòng Việt Nam cho biết họ hy vọng kết thúc toàn bộ dự án vào giữa năm 2018.

Một phần đất đã được xử lý dioxin ở sân bay Đà Nẵng
Một phần đất đã được xử lý dioxin ở sân bay Đà Nẵng

Phó Tổng tham mưu trưởng Nam nói nhà ga VIP của sân bay, nơi ông và Thứ trưởng Shannon gặp gỡ, cũng là nơi Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ hạ cánh, chính là một phần trong khu vực được xử lý.

Ông Nam phát biểu với vị thứ trưởng Mỹ rằng dự án thành công là một biểu tượng về hợp tác Việt-Mỹ trong khắc phục hậu quả chiến tranh. Ông nói điều này cho phép hai nước đóng lại cánh cửa của quá khứ, mở ra cánh cửa của tương lai.

Thứ trưởng Shannon đáp lại rằng đây là cơ hội để hai nước cùng nhau đi qua cánh cửa đó trong quan hệ đối tác và tình hữu nghị.

Sau cuộc gặp, quan chức ngoại giao Mỹ phát biểu với báo giới: “Khi chúng tôi nhìn thấy thành công của dự án này, chúng tôi sẽ có thể cho quốc hội của chúng tôi và những người khác thấy rõ tầm quan trọng của việc tiếp tục các nỗ lực khắc phục môi trường như thế này. Đó là lý do tại sao khi Tổng thống Trump đến Việt Nam ngày mai, chúng tôi cam kết làm việc với Việt Nam ở Biên Hòa”.

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với VOA, ông Christopher Abrams, thuộc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ ở Việt Nam, nói Mỹ và Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu từ năm 2013 để đánh giá mức độ ô nhiễm ở sân bay Biên Hòa, một căn cứ cũ của Mỹ.

Kết quả được công bố năm 2016 cho thấy sau hơn 40 năm kể từ khi chiến tranh kết thúc, mức độ ô nhiễm vẫn cao ở Biên Hòa. Quy mô của vấn đề ở đó cũng lớn hơn Đà Nẵng gấp nhiều lần.

Cuộc nghiên cứu đưa ra ước tính nếu áp dụng phương pháp ở Đà Nẵng với toàn bộ sân bay Biên Hòa, chi phí có thể lên đến 1,4 tỉ đôla, theo lời ông Abrams, Trưởng văn phòng Môi trường và Phát triển Xã hội, USAID ở Việt Nam.

Tuy nhiên ông cho biết Mỹ và Việt Nam đang thảo luận để thiết kế một dự án có tính thực tiễn nhất. Thay vì tẩy độc toàn bộ, sẽ có những khu vực cô lập dioxin bằng tường bao quanh.

Viên chức của USAID nói thêm lịch trình thực hiện sẽ sớm được đưa ra nhưng ông không nêu ra một ngày tháng cụ thể.

Việt Nam và Mỹ đã làm việc cùng nhau trong những năm qua và xác định có tổng cộng 28 điểm còn ô nhiễm dioxin từ thời chiến. Trong số đó, chỉ có 3 nơi được xem là “điểm nóng lớn”, gồm Đà Nẵng, Biên Hòa và Phù Cát, đều từng là các sân bay quân sự cũ của Mỹ.

Mỹ sẽ giúp Việt Nam tẩy dioxin sân bay Biên Hòa
please wait

No media source currently available

0:00 0:02:06 0:00

VOA Express

XS
SM
MD
LG