Bên lề một hội nghị của ngành ngoại giao Việt Nam hôm 22/8 tại Hà Nội, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh nói với báo giới rằng việc xem xét để phê chuẩn Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP ở Mỹ đang là “một vấn đề rất phức tạp và khó khăn” do tình hình tranh cử tổng thống.
Nhưng Đại sứ Vinh nhận định rằng sau cuộc bầu cử, tổng thống mới và các quan chức Mỹ “tính tới lợi ích của nước Mỹ nhiều hơn, trong đó có khả năng xem xét TPP”. Ông đề cập đến lịch sử của nước Mỹ và chỉ ra rằng “hầu hết các hiệp định thương mại tự do đều được thông qua với tỉ lệ sít sao vì nó liên quan trực tiếp đến kinh tế, điều kiện việc làm, tiền lương của người dân”.
Hiệp định TPP về tự do hóa thương mại được 12 nước ven hai bên bờ Thái Bình Dương hoàn tất đàm phán vào tháng 10/2015 nhưng mới chỉ một vài nước phê chuẩn. Mỹ, đối tác quan trọng nhất chưa phê chuẩn và nhiều chuyên gia cho rằng hiệp định sẽ đổ vỡ nếu Mỹ rút khỏi hiệp định này.
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, nói với VOA rằng ông vẫn nhận định Mỹ sẽ phê chuẩn TPP:
“Tôi vẫn hy vọng là Mỹ dẫu chậm chăng nữa cũng sẽ thông qua TPP. Nếu cần thiết thì có thể có một vài bổ sung sửa đổi gì đó theo cái người tổng thống sẽ được đắc cử. Tôi tin rằng phía Hoa Kỳ sớm muộn cũng sẽ thông qua. Bởi vì TPP là một trong các quyết định chiến lược địa chính trị quan trọng của Hoa Kỳ”.
Về giả thuyết được đặt ra là Mỹ không tham gia TPP nữa sẽ ảnh hưởng thế nào đến Việt Nam, Tiến sỹ Doanh cho rằng Việt Nam vẫn tiếp tục đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ thương mại do đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do như với Liên hiệp Châu Âu, Liên minh kinh tế Á-Âu, và Nam Triều Tiên. Ông nói rõ hơn:
“Giả định như không có TPP, Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ thương mại của mình và chủ ý để không phụ thuộc vào bất kỳ một nền kinh tế nào ở mức có thể gây tổn thương cho nền kinh tế Việt Nam. Và đấy là cái phương hướng mà Việt Nam đang hướng tới”.
Tiến sỹ Doanh giải thích thêm rằng Việt Nam kiên định về đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ thương mại do đã thấy những động thái của Trung Quốc, đối tác kinh tế lớn nhất của Việt Nam hiện nay, sử dụng thương mại để gây sức ép chính trị. Ông Doanh nêu ra các ví dụ về động thái của Trung Quốc là việc họ ngừng nhập thịt heo, thủy sản, trái cây của Việt Nam, giảm 20% lượng khách du lịch đến Việt Nam sau một phán quyết của Tòa trọng tài về đường 9 đoạn trên Biển Đông có tranh chấp. Ông nhấn mạnh:
“Vì vậy cho nên là trong tương lai dẫu có TPP hay không có TPP, thì Việt Nam sẽ hết sức kiên định trong việc đa dạng hóa, đa phương hóa và tạo ra các cái cân bằng, các đối trọng trong quan hệ thương mai và trong quan hệ kinh tế”.
Nhiều chuyên gia đánh giá Hiệp định TPP rất quan trọng vì nó không chỉ giúp Việt Nam mở rộng xuất khẩu và phát triển thương mại nhờ các điều khoản cắt giảm thuế, mà hiệp định còn có những cam kết theo đó khi thực thi Việt Nam sẽ cải cách nền kinh tế, cải thiện môi trường pháp lý và tăng tính minh bạch.