Sau khi tham vấn với Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi trong chuyến thăm Hoa Kỳ của bà hồi tuần trước, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố ông sẽ sớm chấm dứt các lệnh cấm của chính phủ đối với Myanmar. Nhờ điều này, hơn 100 doanh nhân gắn liền với chế độ quân sự cũ sẽ được đưa khỏi danh sách đen của Bộ Tài chính Hoa Kỳ, và lệnh cấm vận đối với ngành ngọc và đá quý của Myanmar cũng sẽ được dỡ bỏ.
Quyết định này cũng chấm dứt việc Bộ Ngoại giao Mỹ đòi hỏi các nhà đầu tư Mỹ phải có báo cáo đặc biệt. Ngoài ra, Hoa Kỳ cho Myanmar tiếp cận nhiều hơn với thị trường của mình bằng cách đưa nước này vào Hệ thống Ưu đãi Phổ cập (GSP).
Quyết định của Hoa Kỳ bãi bỏ trừng phạt thương mại đối với Myanmar đã được các nhà kinh tế và các doanh nhân Myanmar hoan nghênh. Họ nói rằng nó sẽ loại bỏ một trở ngại lớn về thương mại quốc tế đối với Myanmar còn nghèo khó và thúc đẩy tăng trưởng của cả nền kinh tế.
Các nhà phân tích chính trị và các nhà hoạt động cho biết quyết định cũng mang lại trách nhiệm lớn hơn đối với chính phủ của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) về việc phải đảm bảo rằng các doanh nhân “thân hữu” cải thiện cung cách làm ăn lâu nay thường bị cáo buộc liên quan đến tham nhũng, chiếm đoạt đất đai, khai thác gỗ bất hợp pháp, và buôn bán ma túy.
Ông Maung Maung, một nhà kinh tế thuộc Bộ Thương mại Myanmar, nói quyết định này sẽ giúp tất cả các nhà xuất khẩu tiếp cận thị trường Mỹ và chấm dứt các khó khăn đối với các doanh nghiệp địa phương cố gắng sử dụng các dịch vụ tài chính quốc tế.
Ông Sean Turnell, một giáo sư kinh tế tại Đại học Macquarie ở Sydney và cũng là cố vấn của bà Aung San Suu Kyi, nói việc chấm dứt trừng phạt giờ đây mở cửa cho nhiều nhà đầu tư Hoa Kỳ hơn nữa, họ có tiêu chuẩn cao trong hoạt động kinh doanh và trách nhiệm doanh nghiệp.
Các lệnh trừng phạt đã được nới lỏng trong những năm gần đây, nhưng theo số liệu của Bộ Thương mại Myanmar, lượng thương mại Hoa Kỳ-Myanmar vẫn còn nhỏ, đạt mức 225 triệu trong năm ngoái, trong khi đầu tư của Hoa Kỳ chỉ tương đương 0,2% của con số 9,4 tỉ đôla đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Human Rights Watch đã chỉ trích quyết định này, họ nói rằng làm như vậy là từ bỏ đòn bẩy chính trị đối với giới quân sự vẫn còn mạnh trong khi các cải cách vẫn chưa đầy đủ.