Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và một số cơ quan liên quan hôm 22/8 đã công bố kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển ở 4 tỉnh miền trung. Báo chí Việt Nam đưa tin tại một hội nghị ở Quảng Trị, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi Trường Trần Hồng Hà khẳng định hiện tại hầu hết các vùng biển miền trung đều đã an toàn. Ông cũng cho hay các hoạt động “bơi lội, tắm biển, nuôi trồng thủy sản trên các vùng biển đã được xác định đã an toàn tuyệt đối”.
Môi trường biển 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế đã bị ô nhiễm hồi tháng 4 do một nhà máy của tập đoàn Đài Loan Formosa xả chất thải trái phép, dẫn đến cá chết hàng loạt, nhiều ngư dân mất sinh kế, và du lịch ven biển giảm sút.
Tin cho hay, sau khi xảy ra sự cố kể trên mà nhiều nhà quan sát và hoạt động xã hội gọi là một thảm họa, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng một số viện và trường đại học đã lập hội đồng thẩm định gồm nhiều nhà khoa học và chuyên gia trong nước, tiến hành lấy mẫu ở vùng biển 4 tỉnh trong 4 tháng trở lại đây.
Theo kết quả được công bố hôm 22/8, gần 1500 mẫu nước biển được lấy và phân tích trong 3 tháng kết thúc vào đầu tháng 8 cho thấy “các thông số lý hóa, dinh dưỡng, kim loại nặng cơ bản trong giới hạn cho phép, đảm bảo đối với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước, nuôi trồng thủy sản. Các thông số sắt, phenol và xyanua - nguyên nhân chính gây ra sự cố môi trường giảm đáng kể và nằm trong giới hạn cho phép”.
Các chuyên gia cũng đã phân tích hơn 190 mẫu trầm tích ở các vị trí khác nhau kể từ tháng 5, và kết quả cho thấy “giá trị nằm trong giới hạn, hàm lượng tổng phenol và xyanua giảm rõ rệt theo thời gian”.
Về hệ sinh thái, hơn 3.100 mẫu là các nhóm sinh vật phù du, động vật đáy, san hô, cá biển đã được nghiên cứu. Các chuyên gia cho biết đến tháng 6 và 7 “san hô bắt đầu phục hồi tự nhiên, cá kích thước nhỏ có dấu hiệu trở lại với mật độ dày hơn”.
Tuy nhiên, ngoài các kết quả nêu trên Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng xác nhận báo cáo này “chưa trả lời được hoàn toàn câu hỏi của người dân 4 tỉnh miền trung là cá đã ăn được chưa” mặc dù theo số liệu giám sát của Bộ Y tế, “từ 28/4 đến 8/8 hàm lượng một số chất ô nhiễm trong hải sản đã giảm dần theo thời gian”.
Ông Hà nói rằng đối với vấn đề an toàn thực phẩm và an toàn hải sản, “cần chờ thêm nghiên cứu từ Bộ Y tế”.
Kỹ sư Đào Nhật Đình, một chuyên gia môi trường công nghiệp với 27 năm kinh nghiệm, nhận xét rằng các cơ quan Việt Nam chưa khẳng định cá biển miền trung có an toàn để ăn hay không vì việc xét nghiệm cá có những khó khăn, đồng thời do các cơ quan có thể quá thận trọng. Ông Đình nói với VOA:
“Lấy mẫu để đo cái độc tố trong mô của cá là cái vấn đề rất khó. Lấy mẫu ở trong nước, trong đất so với lấy mẫu của cá thì lấy của cá khó hơn nhiều. Cái thứ hai là họ cũng thận trọng. Hai cái chất mà Bộ Tài nguyên và Môi trường nói là gây độc là Phenol và Xyanua thì thời gian bán rã của hai chất đó rất ngắn. Do đó nếu biển sạch từ tháng 5 như thông cáo báo chí của bộ thì đến nay hai chất đó, giả sử nó là nguồn gốc từ một cái chất ô nhiễm thì nó cũng hết rồi, không còn lại trong hải sản nữa”.
Từ tháng 4 đến nay, mối lo về chất độc trong cá biển đã làm nhiều người không mua cá biển để ăn nữa, làm ảnh hưởng mạnh đến sinh kế của ngư dân. Nhiều người mong muốn nhà chức trách Việt Nam sớm khẳng định cá biển đã đủ an toàn để ăn hay chưa. Kỹ sư Đình nêu ra gợi ý về hướng giải quyết. Ông cho rằng Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường cần làm việc cùng nhau và sớm đưa ra một lời xác nhận. Ông nói:
“Theo tôi thì hai bộ cần phải thống nhất với nhau và có thể lấy mẫu cá một lần cuối nữa, lấy mẫu cá tươi, cùng nhau đưa ra, ví dụ, 3 phòng thí nghiệm khác nhau để phân tích, và sau đó có một công bố rõ ràng”.
Theo báo chí Việt Nam, sau khi nghe báo cáo hôm 22/8 tại Quảng Trị, tiến sĩ Friedhelm Schroeder, người có 40 năm nghiên cứu về môi trường ở Đức, đã đánh giá rằng chương trình giám sát, phân tích lần này của Việt Nam “rất kỳ công, chính xác, tin cậy với phương pháp đánh giá ngang bằng với các nước tiên tiến như Mỹ, châu Âu”.
Mặc dù vậy, nhiều người vẫn có tâm lý hoài nghi về các kết quả công bố. Kỹ sư Đình cho rằng để giải tỏa tâm lý này, nhà chức trách Việt Nam cần để các nhà khoa học nước ngoài tham gia vào tiến trình lấy mẫu, phân tích. Ông nói:
“Ví dụ như mời cơ quan quốc tế và họ độc lập lấy mẫu. Nếu ta cho họ điều kiện lấy mẫu phân tích, cho chuyên gia Nhật lấy mẫu phân tích, thì tôi nghĩ những việc đó sẽ gây lòng tin dễ hơn, bởi vì nói thẳng ra chính phủ chúng ta đã ăn vào lòng tin và tiền bạc nó hơi nhiều nên bây giờ khó lấy lại lắm”.
Báo chí Việt Nam tường thuật rằng sau khi các nhà khoa học công bố nước biển miền Trung "đạt chuẩn", Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường cùng nhiều lãnh đạo đã xuống tắm biển ở Quảng Trị vào trưa 22/8, bất chấp lúc đó có mưa to, và sau đó họ đã ăn hải sản.