Các Bộ trưởng Môi trường của Liên minh Châu Âu tại Brussels đã nhất trí thông qua Thỏa thuận Khí hậu Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu. EU cần phải phê chuẩn thỏa thuận này để có thể tham gia hội nghị về biến đổi khí hậu, dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới tại Marrakech, Morocco.
Nghị viện Châu Âu sẽ biểu quyết hiệp ước khí hậu vào thứ Ba (4/9) tới. Mọi việc sẽ được đẩy nhanh nhằm có được chữ ký của các nguyên thủ quốc gia trong khối.
Để thỏa thuận khí hậu này có hiệu lực, 55 quốc gia có tổng lượng khí thải nhà kính chiếm 55% lượng khí thải toàn cầu sẽ phải phê chuẩn thoả thuận này. Sau một tháng, thỏa thuận sẽ đi vào hiệu lực. Ông Miguel Arias Canete, Ủy viên EU đặc trách vấn đề khí hậu và năng lượng, nói với báo giới sau cuộc họp hôm thứ Sáu rằng sự nhất trí của các Bộ trưởng Môi trường không ảnh hưởng đến cuộc biểu quyết tại cơ quan lập pháp của các nước thành viên.
Khối EU gồm 28 nước thành viên, muốn chứng tỏ rằng khối này có thể giải quyết những vấn đề quan trọng một cách hiệu quả, trong bối cảnh khối này phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng xảy ra cùng lúc.
Ủy viên Arias Canete nói uy tín của EU đang bị đe dọa. “Người ta nói rằng cơ cấu của EU quá phức tạp để có được sự đồng thuận một cách nhanh chóng. Họ nói chúng ta có quá nhiều vật cản, và rằng chúng ta chỉ nói suông, họ nghi ngờ liệu chúng ta có thực tâm muốn thực hiện điều đó. Ngày hôm nay chứng minh rằng ngược lại, chúng ta thực sự nghiêm túc.”
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker trong bài phát biểu trước quốc hội Mỹ hồi giữa tháng 9, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhanh chóng đạt đồng thuận trong EU. Ông nói “Kéo dài thời gian đi đến thống nhất tác động tiêu cực đến uy tín của chúng ta, khiến EU trông lố bịch.”
Có tổng cộng 61 quốc gia đã phê chuẩn thỏa thuận, kể cả Hoa Kỳ, Trung Quốc và Brazil, là những nước có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính chiếm 50% tổng lượng khí thải toàn cầu.
Chỉ riêng Hoa Kỳ và Trung Quốc đã chịu trách nhiệm về 38% lượng khí thải toàn cầu.