Báo chí Việt Nam cuối tuần qua đưa tin chính phủ lại trì hoãn trình quốc hội luật biểu tình vốn được người dân chờ đợi nhiều năm nay. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý với việc hoãn này.
Tin cho hay hôm 22/4 UBTVQH đã bàn thảo việc điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018. Nhưng dự luật biểu tình đã không được chính phủ đưa vào cả hai chương trình.
Chính phủ cũng không đưa vào chương trình dự luật thi đua khen thưởng; dự thảo mới hoặc sửa đổi, bổ sung quy định về cán bộ, công chức, viên chức; dự luật về hội; và dự luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh.
Thường vụ Quốc hội đã đề nghị chính phủ báo cáo rõ nguyên nhân và trách nhiệm trong việc chưa trình được các dự luật, và sẽ trình sẽ vào thời điểm nào trong tương lai.
... có thể là sau Hội nghị Trung ương 5 này thì có thể Quốc hội cho thông qua luật biểu tình. Bởi vì chuyện Quốc hội cho thông qua hay không cho thông qua tùy thuộc vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tùy thuộc vào Bộ Chính trị. Có thể luật biểu tình trong lần họp Quốc hội tới sẽ được thông qua, nếu như người ta giải quyết được những cái mắc mớ trong Hội nghị Trung ương này. Hoặc là phải chờ Trung ương Đảng họp những hội nghị khác ... Còn Quốc hội tôi nghĩ không có quyền gì hết trong việc thông qua hay không thông qua luật biểu tình.Nhà hoạt động Huỳnh Ngọc Chênh
Một số báo Việt Nam đã đưa tin là Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long đã giải thích rằng “dự án Luật biểu tình do Bộ Công an chủ trì soạn thảo nằm trong chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2015 và năm 2016, hiện đã đến giai đoạn chuyển sang Bộ Tư pháp thẩm định. Tuy nhiên, nội dung luật chưa đạt yêu cầu nên rút lại”.
Bộ trưởng Long không nói rõ “chưa đạt yêu cầu” là như thế nào, và chính đoạn tường thuật này cũng đã bị các báo rút lại sau khi đăng vài giờ.
Luật sư Hà Huy Sơn nhận định về lý do dự luật biểu tình vẫn bị hoãn:
“Chính phủ Việt Nam người ta sợ cái chuyện biểu tình tại vì là trong xã hội bây giờ có quá nhiều bức xúc, quá nhiều mâu thuẫn mà không giải quyết được nên người ta sợ. Người ta sợ ảnh hưởng đến sự an nguy của chính quyền. Tóm lại, người ta sợ bị mất chính quyền”.
Nhà hoạt động Huỳnh Ngọc Chênh, người cũng từng là một nhà báo kỳ cựu, có chung quan điểm với luật sư Sơn:
“Chuyện không thông qua luật biểu tình thì nó xuất phát từ những nguyên nhân sâu xa. Người ta sợ những tổ chức xã hội dân sự, rồi sợ người dân sẽ dựa vào luật để biểu tình nhiều hơn, và gây căng thẳng hơn, và cũng gây ảnh hưởng tới sự an nguy của chế độ”.
Ông Chênh do rằng số phận của dự luật biểu tình không phải do quốc hội quyết định. Ông phân tích:
“Tôi nghĩ có thể là sau Hội nghị Trung ương 5 này thì có thể Quốc hội cho thông qua luật biểu tình. Bởi vì chuyện Quốc hội cho thông qua hay không cho thông qua tùy thuộc vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tùy thuộc vào Bộ Chính trị. Có thể luật biểu tình trong lần họp Quốc hội tới sẽ được thông qua, nếu như người ta giải quyết được những cái mắc mớ trong Hội nghị Trung ương này. Hoặc là phải chờ Trung ương Đảng họp những hội nghị khác. Phải giải quyết rốt ráo cái chuyện cho biểu tình hay không cho biểu tình. Còn Quốc hội tôi nghĩ không có quyền gì hết trong việc thông qua hay không thông qua luật biểu tình”.
Hội nghị Trung ương 5 khóa 12 Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ diễn ra vào tháng 5 sắp tới. Báo chí trong nước cho đến thời điểm này hầu như chưa đưa ra thông tin gì về những nội dung chính sẽ được bàn trong hội nghị.
Quyền biểu tình được khẳng định trong Hiến pháp Việt Nam, nhưng đến nay chưa có một luật riêng rẽ về biểu tình. Do tình trạng này, nhiều người dân và các nhà hoạt động cho rằng công dân có thể gặp bất lợi khi họ tập hợp đông người để bày tỏ quan điểm về một vấn đề gì đó. Trên thực tế, có nhiều trường hợp nhà chức trách đã quy các cuộc biểu tình vào tội gây rối trật tự xã hội.
Nhìn về tương lai, ông Huỳnh Ngọc Chênh, người cũng là một blogger nổi tiếng thúc đẩy dân chủ, nhân quyền, cho rằng cho dù sau này luật biểu tình có được ban hành đi nữa, chính phủ vẫn sẽ trấn áp biểu tình. Ông nói:
“Có luật hay không có luật, nhà nước vẫn cứ đàn áp. Bởi vì có bao nhiêu luật nhà nước làm có đúng đâu. Cần đàn áp các phong trào xã hội dân sự, cần đàn áp người dân nói lên tiếng nói chính đáng của mình thì nhà nước vẫn cứ đàn áp. Nhưng nếu có luật thì tình hình nó đỡ bất ổn hơn, sẽ không xảy ra những vụ rất nghiêm trọng như ở Đồng Tâm hay ở những nơi khác”.
Vụ Đồng Tâm mà ông Chênh đề cập đến là một cuộc đối đầu giữa người dân của một xã ở Hà Nội với chính quyền do tranh chấp đất đai kéo dài từ ngày 15 đến 22/4.
Người dân đã phản đối chính quyền địa phương vì thu hồi đất sai trái. Nhiều công an, cảnh sát đã được điều đến để trấn áp, song người dân đã phản kháng, thậm chí còn bắt giữ gần 40 viên cảnh sát và quan chức địa phương, sau đó cố thủ trong một thôn trong 1 tuần.
Vụ việc kết thúc ôn hòa khi chủ tịch Hà Nội cam kết điều tra và tranh chấp đất đai và không truy tố người dân.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn được báo Thanh Niên đăng hồi đầu tháng 3 năm ngoái, Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa nói chủ trương ban hành luật biểu tình được đặt ra trong một nghị quyết hồi tháng 5/2005 của Bộ Chính trị.
Ông Nghĩa chỉ ra rằng việc chưa có luật “làm cho nhà nước lúng túng về mặt quản lý” và “việc hạn chế biểu tình bằng văn bản dưới luật là trái với Hiến pháp”. Đại biểu Quốc hội này khi đó nhấn mạnh “10 năm rồi vẫn tiếp tục xin hoãn làm Đại biểu Quốc hội khó xử, không biết trả lời với nhân dân như thế nào”.