Đường dẫn truy cập

Châu Á trông chờ Trung Quốc kéo tăng trưởng cho khu vực


Bảng quảng cáo tại một cửa hàng mua bán ngoại tệ ở Hồng Kông (ảnh tư liệu, ngày 13/8/2015)
Bảng quảng cáo tại một cửa hàng mua bán ngoại tệ ở Hồng Kông (ảnh tư liệu, ngày 13/8/2015)

Trong lúc chưa thấy rõ định hướng chính sách kinh tế của Mỹ, các nền kinh tế Ðông Nam Á dường như bớt trông đợi vào những chính sách tiền tệ của Mỹ. Các nhà phân tích nhận định rằng ảnh hưởng của Trung Quốc tiếp tục mở rộng trong khu vực.

Hôm thứ Năm 16/3, trong một dấu hiệu cho thấy nền tài chánh của khu vực châu Á trở nên độc lập hơn giữa lúc hầu hết các thi trường trong khu vực không bị kéo theo bởi quyết định tăng lãi suất lên 0,25% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Nhưng Trung Quốc, Hồng Kông và Singapore cũng tăng lãi suất lên.

Các nhà phân tích của viện nghiên cứu kinh tế Capital Economics ở London nói rằng đối với hầu kết các nền kinh tế mới nổi ở châu Á, chính sách lãi suất được quyết định dựa trên những yếu tố trong nước hơn là hành động của ngân hàng trung ương Mỹ.

Ảnh hưởng của Bắc Kinh ngày càng tăng trong lúc các nền kinh tế châu Á đẩy mạnh trao đổi thương mại với Trung Quốc. Sự hiện diện của Trung Quốc trong khu vực nổi bật sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hồi đầu năm nay, theo quyết định của Tổng thống Donald Trump.

TPP trước đó là một diễn đàn chính sách then chốt của kế hoạch xoay trục sang châu Á để mở rộng tầm ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực dười thời cựu Tổng thống Barack Obama.

Kinh tế gia Thái Lan Somphob Manarangsan nói chính sách “Một vành đai, một con đường” của Bắc Kinh nhằm củng cố những liên hệ với nền kinh tế đang phát triển của Trung Quốc sẽ đẩy nhanh đà hội nhập kinh tế trong khu vực.

Ông Somphob nói: "Từ nay Trung Quốc có thể tích cực mở rộng hoạt động trong khu vực Ðông Nam Á. Như chúng ta đều biết kinh tế Trung Quốc dựa vào hoạt động sản xuất ổn định vững mạnh, do đó Trung Quốc phải có sự tương tác lớn hơn trong dây chuyền cung ứng và trong chuỗi giá trị, và có thể thay thế thị trường Mỹ ngày càng trở nên không chắc chắn."

Nhà kinh tế Thái Lan nhận định rằng trong lúc ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc đang mở rộng trong khu vực, ảnh hưởng chính trị và xã hội của Bắc Kinh cũng tăng theo.

Tình trạng bất định trong chính sách kinh tế của Mỹ đối với khu vực châu Á, nhất là trong lãnh vực thương mại sau những phát biểu của Tổng thống Trump trong cuộc vận động tranh cử -- rằng Mỹ sẽ có lập trường cứng rắn hơn liên quan tới các trao đổi thương mại với Trung Quốc, ông còn tố cáo Trung Quốc là “thao túng tiền tệ.”

Ông Somphob nói chính sách bảo hộ mậu dịch của Mỹ rốt cuộc sẽ đẩy các nước châu Á vào một cuộc đấu tranh khó khăn khi bất cứ bất đồng lớn nào trong các quan hệ song phương với Trung Quốc sẽ có tác động đáng kể trên toàn khu vực.

Kinh tế gia này nhận định: "Tình trạng này khá nghiêm trọng. Như chúng ta đều biết Trung Quốc là một nhà cung ứng quan trọng trong khu vực. Điều đó sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến nền kinh tế của các nước ASEAN, và cũng ảnh hưởng đến cả Nhật Bản và Hàn Quốc."

Quan hệ thương mại của Ðông Nam Á với Trung Quốc gia tăng trong thập niên qua, nhất là hàng hóa bán vào Trung Quốc, để rồi sau đó xuất khẩu ra các thị trường lớn của thế giới, như thị trường Mỹ.

Kinh tế gia kỳ cựu Cyn-Young Park của Ngân hàn Phát triển Á châu (ADB) nhận định rằng tăng trưởng kinh tế của của các nền kinh tế mới nổi ở Ðông Nam Á trong thời gian qua đã “chịu tác động bởi tăng trưởng bùng nổ của kinh tế Trung Quốc.”

Sự dịch chuyển trong vai trò của thị trường Mỹ là một bằng chứng, đó là xuất khẩu của Ðông Nam Á vào Mỹ giảm từ 50% tổng lượng xuất khẩu vào những năm 1990 xuống mức dưới 29% như hiện nay.

Nhưng kinh tế gia Park cũng cảnh báo rằng bất cứ một cú sốc nào trong nền kinh tế toàn cầu sẽ ảnh hưởng lớn đến các nền kinh tế trong khu vực.

Ông Park nói: "Nền kinh tế mới nổi của Đông Á ít nhiều đã hòa nhập với kinh tế toàn cầu, và do đó một cú sốc của kinh tế toàn cầu, cho dù là trong lãnh vực thương mại hay tài chánh trên các thị trường thế giới, sẽ tác động lớn hơn đối với khu vực này."

Bà Pavida Pananond, giáo sư kinh tế tại Đại học Thammasat ở Bangkok, nói rằng tăng trưởng kinh tế ổn định trong mấy thập niên qua đã củng cố các nền kinh tế nhờ sự gia tăng của tầng lớp trung lưu.

Bà Pavida nói: "Và đó là lý do tại sao sự chú ý chuyển sang việc hội nhập kinh tế trong khu vực châu Á, hay sự tập trung vào khu vực, không chỉ vì các chính sách của ông Trump, nhưng là những thay đổi lớn trong siêu cường kinh tế đã diễn ra trong vài thập niên qua."

Sức mua của người tiêu dùng tăng mạnh tại châu Á đang giữ một vai trò quan trọng. Trung Quốc đang tăng trưởng. Trung Quốc đang trở thành một nơi xuất phát và điểm đến quan trọng cho thương mại và đầu tư của các nước ASEAN.

Ngân hàng Thế giới cảnh báo các nền kinh tế trong khu vực về “sự không rõ ràng trong chính sách của các nền kinh tế phát triển đang nổi lên” nhất là châu Âu và Mỹ đang tỏ ra ủng hộ chính sách bảo hộ mậu dịch.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới nói: “Quan điểm chính trị chống thương mại tự do đang tăng mạnh đã góp phần làm tăng các hạn chế thương mại sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008.”

“Các đối tác kinh tế quan trọng áp dụng các rào cản thương mại sẽ gây ảnh hưởng không tương xứng đến các nền kinh tế tương đối mở ở châu Á-Thái Bình Dương.”

Ngân hàng này nói thêm rằng “tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại nhiều hơn dự đoán sẽ ảnh hưởng lớn trên toàn khu vực.”

Nhưng các chuyên gia ở viện nghiên cứu Capital Economics nhận xét rằng tân chính quyền Mỹ hình như tỏ ra ít muốn đối đầu về thương mại với Trung Quốc hơn là những gì dư luận lo ngại.

Kinh tế gia Gareth Leather của Capital Economics nhận định: "Mối đe dọa được gọi Trung Quốc thao túng chỉ tệ trong ngày đầu nhậm chức của Tổng thống Trump đã không biến thành hiện thực, chuyện nâng hàng rào thuế quan cũng bị lãng quên, trong khi sự chú ý hiện nay tập trung vào vấn đề an ninh biên giới và điều chỉnh thuế doanh nghiệp."

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG