Tại một hội nghị mới đây, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nói phải đóng cửa rừng tự nhiên và các cơ sở chế biến gỗ rừng tự nhiên để ngăn chặn nạn phá rừng, buôn lậu gỗ. Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó biến đổi khí hậu đã diễn ra hôm 20/6, tại tỉnh Đắk Lắk.
Theo báo chí trong nước, thủ tướng đánh giá rằng sự kiện trong thời gian vừa qua, Tây Nguyên đã mất 41% diện tích rừng là điều rất nghiêm trọng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết đến cuối năm 2014, tổng diện tích rừng và đất quy hoạch cho lâm nghiệp của 5 tỉnh Tây Nguyên là hơn 3,3 triệu hecta, trong đó đất có rừng giảm 180.000 hecta so với năm 2010.
Chúng ta phải bảo về rừng đầu nguồn, phải bảo vệ nước mặt cho phát triển khu vực này. Tôi cho rằng đấy là những chủ trương mà có cái xuất phát điểm cũng rất là đúng, và chúng ta hãy thực hiện cái chủ trương này một thời gian nhất định để có thể tạo dựng được việc sử dụng đất bền vững tại khu vực Tây Nguyên.Giáo sư Tiến sỹ Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường, nói.
Bộ này nói diện tích rừng tự nhiên khu vực Tây Nguyên giảm phần lớn vì nạn phá rừng để canh tác, sản xuất nông nghiệp và trồng cây công nghiệp. Bên cạnh đó, việc lấy đất rừng để phục vụ quy hoạch của địa phương như xây dựng công trình hạ tầng cũng làm giảm diện tích rừng.
Bình luận về phát biểu của Thủ tướng Phúc về việc phải đóng cửa rừng ở Tây Nguyên, Giáo sư Tiến sỹ Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường, nói với đài VOA:
“Chúng ta phải bảo về rừng đầu nguồn, phải bảo vệ nước mặt cho phát triển khu vực này. Tôi cho rằng đấy là những chủ trương mà có cái xuất phát điểm cũng rất là đúng, và chúng ta hãy thực hiện cái chủ trương này một thời gian nhất định để có thể tạo dựng được việc sử dụng đất bền vững tại khu vực Tây Nguyên.”
Trong quá khứ, người tiền nhiệm của Thủ tướng Phúc năm 2013 cũng đã từng ra lệnh đóng cửa rừng nhưng thực tế cho thấy rừng vẫn tiếp tục bị phá. Gợi ý về những biện pháp trong thời gian tới để chỉ thị của ông Phúc về đóng cửa rừng đạt hiệu quả, Giáo sư Võ nói:
“Về mặt thực hiện, tôi cho là chúng ta cũng không thể dựa vào kiểm lâm […] Chúng ta phải phát triển cơ chế quản trị, gọi là thể chế quản trị trong thực thi trên thực tế. […] Để thực thi thì sự tham gia của người dân từ dưới lên là rất quan trọng. […] Chúng ta trao quyền cho cộng đồng truyền thống ở Tây Nguyên thì người ta lại giữ rừng. Đấy là những cái yếu tố mà tôi thấy là chúng ta cần phải thay đổi”.
Các tổ chức phi chính phủ như của tôi thì cũng cố gắng đưa ra các khuyến nghị về việc trao quyền nhiều hơn cho cộng đồng, các cộng đồng sống dựa vào rừng, để họ tham gia, hưởng lợi từ rừng, cũng như họ có thể tạo ra các thiết chế khu bảo tồn của cộng đồng, để họ vận hành, quản lý. Cũng là một hướng xã hội hóa việc bảo vệ rừng tự nhiên còn lại.Ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc tổ chức Pan Nature, nói.
Một chuyên gia khác về môi trường, ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc của tổ chức phi lợi nhuận về bảo vệ môi trường Pan Nature, cũng đồng ý rằng một trong những cách bảo vệ rừng hiệu quả là trao quyền cho cộng đồng. Ông nêu ý kiến:
“Các tổ chức phi chính phủ như của chúng tôi thì cũng cố gắng đưa ra các khuyến nghị về việc trao quyền nhiều hơn cho cộng đồng, các cộng đồng sống dựa vào rừng, để họ tham gia, hưởng lợi từ rừng, cũng như họ có thể tạo ra các thiết chế khu bảo tồn của cộng đồng, để họ vận hành, quản lý. Cũng là một hướng xã hội hóa việc bảo vệ rừng tự nhiên còn lại”.
Bên cạnh giải pháp vừa kể, ông Nguyên nêu ra những gợi ý quan trọng khác, trong đó việc tập trung quản lý rừng ở cấp trung ương và cải tổ lực lượng kiểm lâm là rất cần thiết:
“Cái hệ thống các khu bảo tồn quốc gia, các khu vực bảo vệ rừng tự nhiên này cần được quản lý thống nhất thay vì là phân quyền, phân cấp hiện nay. […] Nếu như đề cao tầm quan trọng mang tính quốc gia cũng như quốc tế của các khu vực rừng tự nhiên còn lại, nên có một cái cơ quan quốc gia. […] Về lực lượng kiểm lâm, cần có giải pháp cải tổ lực lượng kiểm lâm. Trước đây cũng có một số đề xuất chuyển đổi lực lượng kiểm lâm thành cảnh sát lâm nghiệp có thẩm quyền lớn hơn, quản lý chuyên nghiệp hơn. Tôi nghĩ hiện nay đến lúc nghiêm túc nhìn nhận lại đề án này để đảm bảo lực lượng giữ rừng họ đi vào hệ thống chuyên môn, chuyên nghiệp hơn”.
Việc bảo vệ rừng tự nhiên ở Việt Nam là một nhu cầu cấp bách. Mặc dù các báo cáo chính thức cho thấy diện tích, độ che phủ rừng nói chung, bao gồm cả rừng trồng, đã tăng lên trong vòng 10 năm qua, song các chuyên gia cho rằng trên thực tế, phần diện tích rừng tự nhiên luôn giảm mà nguyên do là hoạt động khai thác, chuyển đổi mục đích sử dụng và xâm hại rừng.