Đường dẫn truy cập

Bộ Ngoại giao Mỹ bị chỉ trích vì lặng lẽ công bố báo cáo nhân quyền


Trụ sở Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.
Trụ sở Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ Sáu đã công bố báo cáo hàng năm về tình hình nhân quyền toàn thế giới nhưng việc công bố đã bị lu mờ bởi những chỉ trích nói rằng Ngoại trưởng Rex Tillerson đã không dành nhiều sự chú ý và không tổ chức rầm rộ như truyền thống.

Ông Tillerson từ chối đích thân công bố bản báo cáo, phá vỡ một tiền lệ được thiết lập trong các chính quyền cả Đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa. Một quan chức cao cấp trả lời câu hỏi của phóng viên qua điện thoại với điều kiện giấu tên thay vì xuất hiện trước camera ghi hình, cũng là một sự phá vỡ tiền lệ.

"Bản báo cáo tự nó nói lên tất cả," quan chức này trả lời như vậy trước câu hỏi tại sao ông Tillerson không đứng ra công bố. "Chúng tôi rất, rất tự hào về nó, những sự thật [trong bản báo cáo] nên là chuyện đáng lưu ý ở đây."

Báo cáo, do Quốc hội Mỹ chỉ đạo thực hiện, ghi nhận tình hình nhân quyền ở gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ và do các nhân viên của Đại sứ quán Mỹ soạn thảo. Báo cáo năm nay phần lớn được hoàn thành trong nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama.

Theo bản báo cáo, cảnh sát Philippines và những người cảnh giới "đã sát hại hơn 6.000 người buôn ma túy và người sử dụng ma túy" kể từ tháng 7 và những vụ giết người ngoài vòng pháp luật đã "tăng mạnh" ở Philippines vào năm ngoái. Các quan chức Philippine nói chính phủ của họ không dung chấp những vi phạm nhân quyền hoặc những vụ giết người ngoài vòng pháp luật do chính phủ bảo trợ.

Ngôn ngữ của bản báo cáo về Nga nhìn chung vẫn giống như những năm trước, lưu ý "hệ thống chính trị độc đoán của nước này do Tổng thống Vladimir Putin thống trị."

Tổng thống Donald Trump đã nói ông muốn cải thiện quan hệ của Mỹ với Nga.

Theo truyền thống, ngoại trưởng Mỹ công bố bản báo cáo với những phát biểu công khai nhấn mạnh tầm quan trọng của nhân quyền đối với chính sách đối ngoại của Mỹ và nêu bật những phát hiện cụ thể.

Những người tiền nhiệm thuộc chính quyền Dân chủ, ông John Kerry và bà Hillary Clinton, đã công khai phát biểu về bản báo cáo vào năm 2013 và năm 2009, là những năm đầu tiên họ tại chức, và tiếp tục thông lệ này trong suốt nhiệm kỳ của mình.

Năm 2005, trong chính quyền của Tổng thống Cộng hòa George W. Bush, thứ trưởng ngoại giao đặc trách sự vụ toàn cầu Paula Dobriansky, giới thiệu bản báo cáo này trước camera ghi hình thay mặt cho Ngoại trưởng Condoleezza Rice.

Cho tới nay trong nhiệm kỳ được một tháng của mình, ông Tillerson vẫn chưa tổ chức cuộc họp báo nào và hầu như không trả lời câu hỏi của giới truyền thông.

Các tổ chức nhân quyền chỉ trích cách thức mà bản báo cáo được giới thiệu.

Rob Berschinski, phó chủ tịch cao cấp về chính sách của tố chức Human Rights First, nói: "Việc này báo hiệu sự thiếu quan tâm và hiểu biết cơ bản về việc sự ủng hộ đối với nhân quyền phản ánh những gì tốt nhất ở Mỹ ra sao."

Ông Berschinski từng là phó trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động cho đến ngày 20 tháng 1, và là người đã giúp điều phối bản báo cáo.

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Marco Rubio hôm thứ Sáu viết trên trang Facebook của mình rằng ông "thất vọng vì ngoại trưởng đã không giới thiệu bản báo cáo mới nhất."

Ông Rubio viết: "Sự lãnh đạo của Mỹ trong việc bảo vệ các quyền cơ bản của con người, thay mặt cho những người mà tiếng nói của họ đã bị buộc phải im lặng, lúc này là cần thiết hơn bao giờ hết."

VOA Express

XS
SM
MD
LG