Hàng ngàn người biểu tình tại Brussels hôm thứ Ba phản đối Liên hiệp Âu châu chuẩn bị ký các thỏa thuận thương mại tự do với Hoa Kỳ và Canada, tiếp theo sau một cuộc biểu tình tương tự hồi tuần trước ở Đức. Các thành viên công đoàn, các nhà bảo vệ môi trường, các nhà tranh đấu cho các quyền, các nhóm nông gia và dân thường tham gia cuộc tuần hành làm rối loạn giao thông vào giờ cao điểm ở trung tâm thủ đô nước Bỉ, để phản đối các hiệp ước thương mại mà họ nói sẽ gây thiệt hại cho người lao động và chỉ có lợi cho những công ty lớn.
Những người biểu tình hy vọng sẽ thuyết phục các nhà lập pháp biểu quyết chống lại hai hiệp định thương mại, đó là thỏa thuận Đối tác đầu tư và thương mại xuyên Ðại tây dương, gọi tắt là TTIP, và Thỏa thuận thương mại và kinh tế toàn diện, gọi tắt là CETA.
Ông Mark Brady là phát ngôn viên của tổ chức Hòa bình Xanh Âu châu:
"Chúng tôi chống lại các hiệp ước thương mại này bởi vì chúng đe dọa đến môi trường, sức khỏe, và luật lao động, và chúng trao cho các công ty đa quốc gia quá nhiều quyền lực."
Khoảng 200.000 người biểu tình phản đối các hiệp định thương mại này tại các thành phố ở Đức hôm thứ Bảy.
Ông Lutz là một trong những người Đức tham gia biểu tình hồi cuối tuần:
"Điều đáng lo ngại đó là tất cả các tiêu chuẩn về môi trường và các tiêu chuẩn liên quan đến chăm sóc y tế cho người dân sẽ bị thiệt hại vì lợi ích tài chánh."
Ông Klaus Larres, giáo sư môn quan hệ quốc tế ở Đại học North Carolina, nói rằng nhiều người Âu châu còn lo sợ thị trường thực phẩm của họ sẽ tràn ngập các sản phẩm cải biến gien nhập từ Mỹ và Canada.
Ông Larres cho biết: "Tại Âu châu, có một nỗi lo sợ và nghi ngờ rất lớn rằng thực phẩm cải biến gien sẽ có hại cho sức khỏe về lâu dài. Và họ sợ rằng các hiệp ước thương mại sẽ buộc các chính phủ Âu châu chấp nhận tiêu chuẩn an toàn của Mỹ, trong đó có việc chấp nhận thực phẩm cải biến gien, và cuối cùng người tiêu thụ Âu châu sẽ lãnh hậu quả."
Những người đề xướng các hiệp định này nói rằng có nhiều thông tin sai lệch đằng sau các cuộc biểu tình.
Bà Luisa Santos là ủy viên của hội đồng cố vấn hiệp định TTIP:
"CETA sẽ không ép buộc chúng ta phải ăn thịt bò nhiễm hormone, gà nhiễm hormone, hay gà nhiễm clo, hay những thứ đại loại như vậy. Chúng ta vẫn có thể ăn các thực phẩm lâu nay ở châu Âu. Chúng ta sẽ được tiếp cận với các sản phẩm mới, và tất nhiên là các dịch vụ mới nữa, mà theo tôi đó là điều tốt. Đó là quy trình chuyển hóa, quy trình đổi mới."
Hiệp ước Đối tác đầu tư và thương mại xuyên Ðại tây dương do Tổng thống Barack Obama khởi xướng cũng gặp phải những người chống đối ở Hoa Kỳ.
Giáo sứ Larres nói rằng cần phải thương thảo nhiều hơn nữa để bảo đảm quyền của người dân ở cả hai bên bờ Ðại tây dương được bảo vệ:
"Hiệp ước sẽ được thương thảo cần cải tiến và cần phải được bàn soạn nhiều hơn nữa, nhưng điều đó không nhất thiết phải bãi bỏ toàn bộ thỏa thuận và dẹp TTIP sang một bên."
Giáo sư Larres nói rằng các hiệp định thương mại giữa châu Âu và Bắc Mỹ là cần thiết để duy trì vai trò lãnh đạo kinh tế của hai khối này, nhưng đó phải là những hiệp ước tích cực.