JoEllen McBride
Khí hậu đang thay đổi, tạo ra những tác động đáng kể đối với thế giới xung quanh ta: từ nguy cơ tuyệt chủng của nhiều loài sinh vật cho tới các thành phố bị nhận chìm dưới mặt biển dâng cao. Có rất nhiều quan ngại, nhưng các cuộc thảo luận về biến đổi khí hậu thường bỏ qua ảnh hưởng tiềm ẩn của biến đổi khí hậu đối với việc lây lan bệnh dịch. Một nghiên cứu mới cho thấy khí hậu ấm hơn, khô hơn tác động như thế nào đến sự lây lan bệnh sốt rét ở Tây Phi.
Nhiệt độ cao, địa hình chủ yếu bằng phẳng và mưa mùa ở Tây Phi là những yếu tố biến nơi đây thành cái nôi sinh sôi lý tưởng cho loài muỗi mang virus sốt rét. Các trận mưa tầm tã để lại nhiều ao tù cho muỗi đẻ trứng. Nhiệt độ ở mức lý tưởng để muỗi sống trọn hết tuổi thọ 2 tháng của chúng, đủ thời gian để chúng truyền virus sốt rét sang cho nhiều người.
Cô Teresa Yamana hiện là một nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ tại Đại học Comlumbia. Trong đề tài nghiên cứu tốt nghiệp khoa công nghệ môi trường, cô đã phát triển các mô hình biến đổi khí hậu kết hợp các yếu tố chính ảnh hưởng tới sự lây lan sốt rét ở Tây Phi.
Cô cho biết: “Chúng tôi đi tới phương pháp diễn giải các biến đổi khí hậu đối với biến đổi của bệnh sốt rét theo cách chưa từng có trước đây. Chúng tôi dựa vào nhiều chi tiết, không chỉ lượng mưa mà thời điểm mưa, kiểu mưa và các yếu tố này liên hệ thế nào tới các ao tù mà muỗi cần để đẻ trứng, thật ra là nhìn vào yếu tố chủ đạo trong tiến trình này.”
Phương pháp mới được xuất bản trên tờ Biến đổi Khí hậu Thiên nhiên sử dụng kết quả nhiều năm thực nghiệm của ông Arne Bomblies, hiện là Phó giáo sư công nghệ môi trường tại Đại học Vermont. Khi còn là sinh viên cao học, ông đã thu thập các dữ liệu về muỗi đa dạng nhiều vùng miền khác nhau.
Ông cho biết: “Tôi đã bỏ ra rất nhiều thời gian tìm kiếm ấu trùng, bắt muỗi trưởng thành, xác định các loài muỗi, và nhiều khi còn thử xem chúng có bị nhiễm ký sinh trùng sốt rét hay không.”
Ngoài ra, ông cũng thu thập các thông tin về môi trường sống của chúng.
Ông cho biết thêm: “Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đo đạc các yếu tố đa dạng thủy học như độ ẩm của đất, kích cỡ và nhiệt độ các ao tù.”
Những thông tin thủy học đó trước kia chưa từng được dùng trong các phương pháp nghiên cứu về lan truyền sốt rét. Mô hình nghiên cứu của hai nhà khoa học Bomblies và Yamana kết hợp các đặc tính ao tù ở Tây Phi với các thông tin về địa hình, hệ sinh thái của muỗi và thời tiết để dự báo các tác động của biến đổi khí hậu đối với việc lây lan bệnh sốt rét trong khu vực.
Ông Bomblies cho biết: “Các hiệu ứng về nhiệt độ gia tăng tại Tây Phi cộng với vũ lượng giảm dường như có tác động theo chiều ngược lại và chúng loại trừ lẫn nhau.”
Nhà nghiên cứu Yamana nói: “Tôi đoán đây là tin mừng đối với bệnh sốt rét. Chúng ta không muốn thấy các thay đổi đáng kể về lây lan sốt rét hay gia tăng sốt rét tại khu vực này.”
Với cái nhìn lạc quan cho Tây Phi, hai nhà nghiên cứu Yamana và Bomblies tỏ ra phấn khởi về việc phương pháp của họ đang được dùng để dự đoán ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với đà lây lan bệnh sốt rét tại các khu vực khác dễ bị tác động.
Cô Yamana nói phương pháp này sẽ phải được điều chỉnh xét tới các thông tin về địa hình và thủy học tại các khu vực đó, cho nên hiện hơi khó ứng dụng.
Cô Yamana chia sẻ: “Các địa điểm khác nhau rõ ràng có các yếu tố khí hậu, đất đai, thực vật khác nhau, nhưng chúng ta không thể chỉ theo một phương pháp mẫu mà áp dụng y hệt cho tất cả mọi nơi. Chúng ta phải tính tới các yếu tố đặc thù của môi trường và thủy học địa phương, phải tính tới các tiến trình kết nối môi trường với lượng mưa.”
Dù cần thêm nhiều công trình nghiên cứu nữa, nhưng người dân sinh sống tại những vùng bị sốt rét hoành hành có thể sớm dự đoán được ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với sự lây truyền mầm bệnh và có thể từng bước giảm nhẹ những tác động này.