Đường dẫn truy cập

Bắc Kinh: Có quyền ‘can thiệp’ bầu cử Hồng Kông


Người đứng đầu Quốc hội Trung Quốc - Trương Đức Giang. (Ảnh tư liệu)
Người đứng đầu Quốc hội Trung Quốc - Trương Đức Giang. (Ảnh tư liệu)

Nhân vật được xem là quyền lực thứ ba của Trung Quốc hôm thứ Hai nói Bắc Kinh có quyền “can thiệp” cuộc bầu cử lãnh đạo Hồng Kông, Reuters dẫn lời các chính trị gia địa phương đã gặp nhân vật này nói trong bài phát biểu gây nhiều quan ngại về sự can thiệp của các lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Người đứng đầu Quốc hội Trung Quốc và cũng là giới chức hàng đầu về các vấn đề Hồng Kông, ông Trương Đức Giang, đã đưa ra phát biểu trên sau khi các giới chức khác cố hạ giảm tin đồn cho rằng Bắc Kinh đang can thiệp vào cuộc đua nhằm giúp cho ứng cử viên ưa thích của mình chống lại một nhân vật nổi tiếng hơn.

Theo luật được áp dụng kể từ khi Hồng Kông được trao trả cho chính quyền Trung Quốc vào năm 1997, khu tự trị Hồng Kông có quyền chọn lựa trưởng đặc khu thông qua một ủy ban bầu cử với 1.200 ngườii, trong đó có nhiều người thân Bắc Kinh.

Ủy ban sẽ bỏ phiếu vào cuối tháng này để đưa ra quyết định chọn giữa một cựu giới chức và một thẩm phán về hưu lên làm lãnh đạo thành phố 7,3 triệu dân.

Tuy nhiên, tính độc lập của cuộc bầu cử đã bị đặt nghi vấn, khi nhiều thành viên của Ủy ban bầu cử cho truyền thông biết họ đã nhận được các cuộc gọi từ những người có quan hệ thân thiết với chính quyền Trung Quốc với nỗ lực nhằm gây ảnh hưởng trên lá phiếu của họ.

Người đứng đầu Văn phòng đại diện của Bắc Kinh ở Hong Kong, Trương Hiểu Minh, hồi cuối tuần qua nói những cáo buộc can thiệp chỉ là tin đồn.

Ông Trương Đức Giang, Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc, nói điều quan trọng của cuộc bầu cử là nó diễn ra suôn sẻ. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của vai trò trưởng đặc khu chính là liên kết giữa Bắc Kinh và trung tâm tài chính của châu Á, Reuters dẫn lời đại biểu quốc hội Hồng Kông Maria Tam cho biết.

Bà Tam tóm tắt phát biểu của ông Trương nói: “Đây là một vai trò rất quan trọng. Do đó, chính quyền trung ương có quyền can thiệp vào”.

Trong các cuộc họp quốc hội thường niên tại Bắc Kinh, ông Trương cũng cảnh báo rằng Hồng Kông không nên để cho chính trị chi phối đời sống của thành phố này.

Ông nói thêm rằng rất không may “chính trị đường phố” đã trở thành một phần của cuộc sống hàng ngày tại Hồng Kông, trong khi thành phố Thâm Quyến lân cận đã bắt kịp Hồng Kông về mặt kinh tế.

Hồng Kông đã được trả về cho Trung Quốc theo nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”, cho phép khu vực này có sự tự do mà Trung Quốc đại lục không có.

Cuộc bầu cử trong tháng này là cuộc bầu cử đầu tiên kể từ khi diễn ra các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ rầm rộ trên đường phố, làm rung chuyển Hồng Kông vào cuối năm 2014.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG