Theo tiêu chuẩn lịch sử của mô hình xã hội tranh luận cổ xưa nhất thế giới, thì đây là một vấn đề tế nhị.
Kiến nghị chính thức là “Quốc Hội này hoan nghênh sự chấm dứt quyền bá chủ của nước Mỹ.” Nhưng kiến nghị này có thể diễn tả lại bằng lời lẽ dịu dàng hơn, “Liệu lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Donald Trump có đánh dấu ngày tàn của sự lãnh đạo toàn cầu của nước Mỹ?”
Đây là câu hỏi tâm điểm của những gì được tranh luận vào ngày thứ Năm, đêm trước lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống Mỹ thứ 45 của ông Trump, do các sinh viên tại Cambridge Union đặt ra. Kiến nghị không được thi hành, nhưng cũng không được sự ủng hộ của tân tổng thống Mỹ - ngay cả đối với những người cho rằng sự lãnh đạo toàn cầu của nước Mỹ vẫn còn kéo dài nhiều năm nữa.
Ông Malcolm Rifkind, một trong những người tranh luận và là cựu Ngoại Trưởng, nói “nhiều người bồn chồn và lo lắng về việc ông Trump trở thành tổng thống Mỹ. Tôi là một trong những người này và tôi không ngần ngại nói lên điều đó.”
Tuy nhiên ông nói thêm, “ngay cả một tổng thống Mỹ như ông Donald Trump cũng làm tôi ít lo ngại hơn nếu cường quốc bá chủ toàn cầu đó lại là Nga hay Trung Quốc hay một số quốc gia chuyên chế khác.”
Tại phòng hội của Cambridge Union và trên toàn nước Anh - một nước hãnh diện có một mối quan hệ đặc biệt với nước Mỹ - hiện đang có lo lắng ngày càng tăng đối với nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump. Sự lo lắng này được chính phủ Bảo Thủ cầm quyền chia sẻ, ngay cả khi chính phủ này đặt lòng tin vào lời hứa được đưa ra công khai vào cuối tuần qua để nhanh chóng thi hành một thỏa thuận thương mại giữa Anh với Mỹ sau khi Anh ra khỏi Khối EU.
Vào lúc tách rời khỏi EU, Anh Quốc rất cần ký những thỏa thuận thương mại mới để giúp nước này phục hồi sau vụ Brexit.
Một thỏa thuận thương mại với nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ giúp đẩy các viễn ảnh kinh tế của Anh bên ngoài thị trường Châu Âu. Việc ông Trump ủng hộ Brexit và lời hứa nhanh chóng ký kết hiệp ước thương mại là những lời lẽ êm dịu đối với London.
Và nghi vấn gần đây của ông Trump về việc EU có thể sống còn hay không đã là một cái phao cho những người chống lại việc Anh ra khỏi EU. Tuy nhiên cũng có những nguy hiểm trong việc trở thành hợp tác chặt chẽ với ông Trump.
Lâu nay, Anh vẫn nỗ lực cân bằng các mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Châu Âu, và các Bộ Trưởng trong chính phủ lo ngại thấy cuộc vận động tranh cử của ông Trump bắt đầu vào lúc Anh Quốc thương thuyết với EU về việc rời khỏi khối này. Các giới chức chính phủ Anh nói họ không thể làm các đối tác tại Châu Âu nổi giận vào lúc họ thương thuyết những điều khoản ra khỏi Châu Âu tốt nhất có thể được; bị các nhà lãnh đạo Châu Âu gán cho nhãn hiệu thân ông Trump sẽ có phản ứng ngược đối với Anh trong những cuộc thương thuyết ra khỏi EU sắp tới.
Ngày thứ Ba vừa qua, Thủ Tướng Anh, Theresa May, đọc bài diễn văn mạnh mẽ phát họa cách thức sẽ làm để xử lý việc Anh nhanh chóng rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu, nhưng bà bảo đảm tự tách rời khỏi những hoài nghi về Châu Âu của tân tổng thống Mỹ, người vốn đã tiên đoán hiện tượng Brexit từ lâu.
Các Bộ Trưởng của Anh Quốc chia sẻ những lo ngại của các đối tác Châu Âu về những gì tổng thống Trump sẽ làm đối với NATO, khi ông gọi tổ chức này là “lỗi thời.” Và họ lo ngại việc xé rời những thỏa thuận phòng vệ tập thể có từ lâu nay của Phương Tây, đặc biệt dưới ánh sáng của việc ông Trump xếp Thủ Tướng Đức, Angela Merkel, và Tổng Thống Nga ngang hàng với nhau.
Như những đối tác Châu Âu khác, các giới chức Anh cũng lo ngại khi ông Trump nói muốn “có những thỏa thuận tốt với Nga” hay gỡ bỏ những chế tài áp đặt lên Nga vì đã sát nhập Crimea để đổi lấy việc giảm bớt vũ khí hạt nhân. Những người này nói gỡ bỏ chế tài có thể là Hoa Kỳ ủng hộ những hành vi xâm lấn của Nga đối với Ukraine và tạo nguy cơ khiêu khích của Nga tại các nước vùng Baltic.
Ông Nicholas Soames, một nhà lập pháp bảo thủ Anh và là cháu nội của nhà lãnh đạo Churchill thời Thế Chiến Thứ Hai, viết trên Twitter tuần này: “Ông Trump cần chứng tỏ ông không ngây thơ và hiểu mục đích của ông Putin là hủy diệt Liên Minh Xuyên Đại Tây Dương và làm suy yếu EU.”