Đường dẫn truy cập

Dân Việt 'hạnh phúc và lạc quan kinh tế'?


Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

‘Hạnh phúc’ hay thảm cảnh?

Một tổ chức chẳng mấy tiếng tăm là Indochina Research vừa gây quá nhiều tai tiếng khi công bố “Việt Nam là nước hạnh phúc thứ 4 trên thế giới với chỉ số hạnh phúc là 78%” trong khuôn khổ cuộc điều tra cuối năm 2016 do mạng lưới Win/Gallup International thực hiện tại 66 quốc gia.

Nếu vào tháng 3/2016 khi Liên Hiệp Quốc công bố một bảng xếp hạng chỉ số hạnh phúc, trong đó Việt Nam đứng thứ 96, khá nhiều tờ báo nhà nước và đặc biệt là báo đảng đã mượn gió bẻ măng với hàng loạt bài tung hô thành tích đầy tính hoang tưởng này, đến cuối năm 2016 đã chỉ thấp thoáng vài cái tên báo quốc doanh sa vào vòng trơ tráo ấy.

Ngay một chuyên gia nhà nước là Tiến sĩ Khuất Thu Hồng cũng phải thổ lộ rằng dù Việt Nam được Liên Hiệp Quốc xếp hạng 96 về chỉ số hạnh phúc, bà vẫn thấy thứ hạng này được ưu ái.

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng nhận xét rằng kết quả xếp hạng khá phiến diện sẽ làm nhiều người bị… ru ngủ. Theo Tiến sĩ Hồng, nếu xét trên tiêu chí tuổi thọ thì Việt Nam không phải là nước có tuổi thọ cao để đáng phải tự hào. Còn tiêu chí cảm giác thoải mái, rất khó để nói người dân Việt Nam hài lòng khi đang phải lo toan mọi thứ: từ thực phẩm độc hại đến kẹt xe, mất an toàn giao thông, môi trường tự nhiên bị tàn phá… Đó là chưa nói cuộc sống bức bách khiến tâm lý con người thay đổi, bạo lực gia tăng, sẵn sàng đâm chém nhau vì những va chạm rất nhỏ…

Tôi không hiểu thoải mái, hạnh phúc ở chỗ nào? Tôi không tin vào kết quả đó, phương pháp nghiên cứu này có vấn đề. Những người được hỏi chắc chắn không đại diện cho 90 triệu người dân Việt Nam.” - Tiến sĩ Hồng bức bối.

Còn Tiến sĩ Nguyễn Hồi Loan, Đại học quốc gia Hà Nội, cho rằng nếu Việt Nam đứng thứ 4 trên thế giới về hạnh phúc thì đó đúng là giấc mơ nhưng thực tế thì không phải như vậy: “Đối chiếu với một đất nước mà nỗi lo lắng luôn lơ lửng khắp nơi thì tôi cho là bảng đánh giá ấy hoàn toàn không chính xác. Ở đất nước mà ra đường luôn cảm thấy bất ổn, nghi kỵ lẫn nhau, cán bộ thì nhiều người lời nói không đi đôi với việc làm, ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông tràn lan, tội phạm phức tạp… thì làm sao hạnh phúc được?

Kết quả “lạc quan và hạnh phúc” của Indochina Research nêu ra lại “tự diễn biến” trong bối cảnh nợ công, nợ xấu ngập đầu, ngân sách gần như cạn kiệt, thảm họa mang tên Formosa, thảm cảnh do xả lũ miền Trung và rất nhiều công nhân không có tiền mua vé tàu xe về quê trong Tết 2017.

Thời gian cận Tết Nguyên đán 2017 cũng một lần nữa, trong nhiều năm liền lãnh đạo 15 tỉnh phải lên Văn phòng chính phủ xin gạo cứu đói cho dân. Cảnh tượng học sinh nghèo vùng cao phải ăn thịt chuột lại tái hiện. Những hình ảnh người nghèo chết không có nổi quan tài mà phải bó chiếu đưa về nhà lan rộng trên mạng xã hội.

‘Cực kỳ lạc quan kinh tế’ hay bờ vực sụp đổ?

Không chỉ bố cáo “Việt Nam hạnh phúc thứ 4 trên thế giới”, tổ chức Indochina Research còn nêu ra một đánh giá rất khó tin và khó hiểu: “Việt Nam cũng là nước lạc quan thứ 5 trên thế giới về viễn cảnh kinh tế trong năm 2017”.

Chi tiết rất đáng đối chiếu là chỉ một tháng sau đánh giá vừa kể của Indochina Research, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc bất thần thú nhận “nợ công nếu tính đủ thì đã vượt trần”, và đặc biệt nêu ra cụm từ cảnh báo đầy rủi ro: “sụp đổ tài khóa quốc gia”.

Năm 2016, tình hình thực tế ở Việt Nam đã “lạc quan” đến mức phần nợ công quốc gia đã vọt hẳn qua ngưỡng nguy hiểm 65% GDP và có thể lên đến 100 - 150% GDP, cho dù giới điều hành kinh tế và Quốc hội Việt Nam vẫn nhất quyết không chịu sửa Luật về Nợ công để tính cả phần vay nước ngoài của hàng trăm tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước vào nợ công quốc gia theo đúng tiêu chí của Liên Hiệp Quốc.

Trong bối cảnh ngân sách gần như cạn kiệt, Hà Nội đã phải dùng một phần không thể dây dưa của chi ngân sách để trả nợ cho các chủ nợ lớn nhất như Ngân hàng thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Phát triển Á châu… để sau đó Việt Nam mới được vay tiếp. Trong năm 2015, ngân sách Việt Nam đã phải xuất ra đến 20 tỷ USD để trả nợ, năm 2016 xuất ít nhất 12 tỷ USD, còn những năm sau cũng phải trả nợ quốc tế ít nhất hàng chục tỷ USD mỗi năm.

Lòng tham lam cộng với sự ngu dốt của quá nhiều ngân hàng thương mại và doanh nghiệp nhà nước trong thời kỳ đầu tư ồ ạt vào chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm những năm 2006 - 2008 đã khiến nợ xấu tích tồn trong hệ thống ngân hàng Việt Nam vọt đến ít nhất 25 tỷ USD cho đến nay. Thế nhưng bất chấp thời kỳ thủ tướng và thống đốc ngân hàng cũ là Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Văn Bình công bố thành tích “đã quyết tâm kéo giảm nợ xấu về dưới 3%”, cho tới giờ toàn bộ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng vẫn hầu như chưa được xử lý. Toàn bộ thư chào bán nợ xấu cho nước ngoài vẫn không hề nhận được hồi âm…

Cùng lúc, quốc nạn bội chi ngân sách cũng chỉ tiến không lùi, dù ngân sách có thể đã phải giảm đến 40% so với nhu cầu chi tiêu vào năm 2016.

Khác hẳn vài năm trước, ngân sách trung ương đang cực kỳ khốn quẫn. Ngân sách này chỉ có thể lo việc chi trả lương và một ít đề mục về an sinh xã hội, còn đa phần “đầu tư phát triển” phải tiết chế đến mức tối thiểu. Sau trào lưu xây trụ sở và tượng đài từ ngàn tỷ đến chục ngàn tỷ vô tội vạ và vô liêm sỉ trong những năm trước, đến giờ ngân sách tìm ra một ngàn tỷ đồng để chi đã là khó khăn.

Một số chuyên gia đã tính toán rằng với cái đà thu thuế ngày càng ghê gớm nhưng chi vẫn không giảm, ngân sách chế độ chỉ chịu được tối đa 2 năm nữa.

Kể từ cơn khủng hoảng giá - lương - tiền 1985, có lẽ chưa bao giờ ngân sách Việt Nam lại rơi vào tình trạng bi đát như hiện nay. Mới đây, một nguồn giấu tên tiết lộ một sự thật chẳng mấy người muốn tin: Việt Nam vỡ nợ không còn là “nguy cơ” nữa, mà đã trở nên hiện hữu.

Cận cảnh đang lờ mờ hiện ra là ngân sách Việt Nam sẽ bị vỡ nợ hệt như Argentina hai lần vào năm 2001 và 2014.

Tình hình đã tồi tệ đến mức ngân sách chính quyền chỉ còn trông mong vào việc thu thuế càng nhiều càng tốt.

Theo đó, trong khi căn bệnh lạm thu, tận thu của hơn 400 loại thuế và lệ phí vẫn không hề thuyên giảm thì hàng loạt thứ thuế trời ơi khác đã được Quốc hội và Chính phủ ban hành. Chỉ tính riêng thuế bảo vệ môi trường, cứ mỗi lít xăng người dân phải chịu đến 8.000 đồng tiền thuế.

Mua bán?

Vậy vì sao tổ chức Indochina Research lại dám đánh giá “Việt Nam cũng là nước lạc quan thứ 5 trên thế giới về viễn cảnh kinh tế trong năm 2017”?

Hãy lùi lại một chút về quá khứ.

Nhiều thông tin cho biết chính quyền Việt Nam đã tung ra hàng triệu đôla mỗi năm để “quảng bá hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế” trên một số tờ báo nước ngoài và cả chi cho tổ chức nghiên cứu quốc tế. Thậm chí còn có dấu hiệu chính quyền Việt Nam đã dùng tiền để “mua” một vài tờ báo, tổ chức nghiên cứu nhằm nêu ra những thông tin có lợi cho họ về thể diện và chính trị, bất chấp thực tế hoàn toàn trái ngược.

Indochina Research là một trường hợp rất đáng nghi ngờ về chuyện mua bán này.

* Blog của nhà báo Phạm Chí Dũng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Phạm Chí Dũng

    Phạm Chí Dũng là nhà báo độc lập, tiến sĩ kinh tế sống và làm việc tại Sài Gòn, Việt Nam. Trước năm 2013, đã có thời gian 30 năm làm việc trong quân đội, chính quyền và khối đảng. Do viết bài chống tham nhũng, từng bị công an bắt vào năm 2012. Năm 2013, tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 2014, cùng các cộng sự thành lập Hội nhà báo độc lập Việt Nam và giữ cương vị chủ tịch của tổ chức này. Cũng trong năm 2014, được Tổ chức phóng viên không biên giới vinh danh 'Anh hùng thông tin'. Các bài viết của Phạm Chí Dũng là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG